Khó như giảm biên chế
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng được tinh giản biên chế là 22.763 người. Với tốc độ và cách làm như hiện nay, việc tinh giản biên chế rất khó đạt mục tiêu đề ra.
Tất nhiên, chưa bao giờ tinh giản biên chế là việc dễ dàng. Đơn cử, chỉ giảm một người trong một cơ quan cũng đã không dễ, bởi đằng sau nhân sự này là một gia đình, là vấn đề số phận của con người cụ thể. Vì vậy, cắt ai, giảm ai là điều rất thận trọng. Không thể cắt giảm bừa bãi, cơ học. Thế nên mới có chuyện, nhiều Bộ ngành địa phương khá đủng đỉnh trong công cuộc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, trong tổng số biên chế được tinh giản, các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm đa số (14.791 người); tiếp đến là cán bộ, công chức cấp xã (4.086 người); các cơ quan hành chính (2.824 người); các cơ quan của Đảng, đoàn thể (944 người) và cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước (122 người). Trong đó năm 2015, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người và 6 tháng đầu năm 2017 là 5.062 người.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa “chốt” lại, với tiến độ và cách làm như hiện nay thì “khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”.
Nói về lý do khiến kết quả tinh giản biên chế không đạt được như kỳ vọng, ông Nguyễn Trọng Thừa cho biết, đến nay, “vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 6 tháng/lần)”.
“Việc chưa xây dựng đồng bộ đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 khiến nhiều đơn vị không có phương án cụ thể ngay từ đầu, không xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản, dẫn đến tinh giản thụ động, hầu như mới chỉ thực hiện trên cơ sở nguyện vọng của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức”...
Hóa ra công cuộc tinh giản biên chế mà các Bộ, ngành địa phương triển khai trong thời gian qua không phải là công cuộc rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ để xem ai là người được việc, ai là người chỉ làm “đếm chữ”, “ngồi chơi, xơi nước” trong nền công vụ trên cơ sở đó sẽ sắp xếp thậm chí loại ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Rõ ràng, kết quả con số gần 23.000 công chức, viên chức được tinh giản kia vẫn chỉ nằm ở những người đến tuổi hưu hoặc những người không muốn làm trong khu vực nhà nước đã tự nói lời chia tay chứ chưa chắc họ đã phải là người không làm tốt nhiệm vụ, bị loại ra khỏi bộ máy.
Phân tích thêm các lý do khiến kết quả tinh giản không được như mong muốn, Bộ Nội vụ cho biết: “Các đơn vị cũng mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm”. “Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng theo trình tự quy định; đưa vào diện tinh giản biên chế đối với một số trường hợp không thuộc đối tượng tinh giản (tính đến 15-8-2016, Bộ Nội vụ không đồng ý hoặc yêu cầu giải trình đối với 4.312 trường hợp)”.
Câu chuyện địa phương đưa vào diện tinh giản nhầm đối tượng đã được đề cập nhiều lần. Đây là vấn đề không mới. Chỉ có điều, khi các quy định về đánh giá cán bộ công chức đã được sửa đổi trong Nghị định số 56, các hướng dẫn đã rõ ràng hơn để tìm đúng “địa chỉ” tinh giản biên chế mà không ít Bộ, ngành, địa phương vẫn cứ tìm sai đối tượng tinh giản quả là điều đáng phải bàn bạc.
Để công cuộc tinh giản biên chế không vỡ trận, Bộ Nội vụ nêu rõ: Từ nay đến năm 2021, mỗi năm bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm 1,5% đến 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Các cơ quan chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3%.
“Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì phải tự cân đối trong tổng biên chế công chức hoặc biên chế sự nghiệp được giao (trừ trường hợp thành lập mới trường, tăng số lớp và tăng số học sinh, hoặc thành lập mới cơ sở y tế, tăng số giường bệnh mà không thể tự cân đối thì phải có đề xuất gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng quyết định)”.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế; nếu không hoàn thành kế hoạch phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, những quy định mang tính ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu không phải lần đầu được đề cập đến. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị cũng nói rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị nếu tinh giản biên chế không đạt yêu cầu nhưng rút cục biên chế vẫn không đổi, thậm chí là con số âm bởi nói như ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế, Bộ Nội vụ thì có tới 20/22 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) đã đề nghị tăng tổ chức bên trong và biên chế.
Chỉ có Bộ Công thương và Bộ Nội vụ là xin giảm biên chế. Còn ở các địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng thêm 13 sở du lịch, mà xuất phát đầu tiên từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh...
Cho rằng nếu buộc trách nhiệm của người đứng đầu, kết quả tinh giản biên chế sẽ hiệu quả hơn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Điểm mấu chốt quan trọng nhất trong công cuộc tinh giản, đó là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được phát huy và đề cao. Đây là điểm khó nhất trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.
Dù biện pháp có hay và phù hợp đến đâu, nếu người đứng đầu không quyết tâm, không có bản lĩnh, tâm huyết, không sử dụng quyền hạn của mình một cách triệt để thì không thể nào tinh giản được biên chế, đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vào diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Người đứng đầu có quyền hạn xác định tỷ lệ tinh giản biên chế, chỉ đạo triển khai thực hiện thì phải chịu trách nhiệm về việc đạt được hoặc không đạt được. Trước đây, sau mỗi đợt tinh giản biên chế không có đánh giá việc hoàn thành hay không hoàn thành, có khiếm khuyết gì không, vì vậy trách nhiệm người đứng đầu không được phát huy trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Kế hoạch tinh giản biên chế phải do người đứng đầu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, nếu người đứng đầu không thực hiện được chỉ tiêu tinh giản biên chế đã xác định thì đó là một căn cứ để đánh giá, phân loại người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ và bị xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tinh giản biên chế là một công việc rất khó, động chạm đến lợi ích của một số cá nhân, phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng, khó thì cũng vẫn phải làm.