Chữa chui

Ngọc Anh 20/05/2017 10:30

Dù có giỏi tưởng tượng cỡ nào cũng khó có thể hình dung ra một hình huống lạ lùng: Ấy là các bác sĩ đem người lớn vào hút mỡ bụng thẩm mỹ trong một bệnh viện nhi. Nhiều người nghe thông tin này, lập tức liên tưởng đến vụ “Cát Tường”. Nhưng có vẻ như dù đã từng có một bài học đình đám, đau đớn cỡ như “cát tường”, chuyện hút mỡ bụng chui cho người lớn ở một bệnh viện dành cho trẻ em vẫn diễn ra, như chưa từng có gì gọi tên là bài học.

Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - nơi xảy ra vụ “chữa chui”.

Có thể hình dung các bác sĩ đem người vào phòng mổ bệnh viện nhi để thực hiện thủ thuật hút mỡ bụng thẩm mỹ là cách để tránh tai biến kiểu “Cát Tường” khi mà trong bệnh viện, mọi thứ đầy đủ và an toàn. Cũng có thể hình dung, việc này chả phải lần đầu.

Chắc đã có một “đường dây” nào đó được hình thành theo kiểu: Một phòng mổ được trang bị hiện đại như thế sẽ được tranh thủ làm thêm chức năng “phẫu thuật thẩm mỹ” chui (nghe nói đã có những lời rỉ tai nhau trên facebook về một bác sĩ ở khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chuyên thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại Khoa Gây mê hồi sức).

Cũng là một cách làm thêm của ê kíp bác sĩ. Nhưng nó sai, trầm trọng, khi: Thứ nhất, Khoa Ngoại viện Nhi không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ cho người lớn; thứ hai, đây là trang thiết bị của bệnh viện chứ không phải phòng khám tư, lại đang trong giờ làm việc…

Có nhiều việc xảy ra rồi, người ta mới thấy ngạc nhiên khi vẫn còn có những y bác sĩ khá liều khi họ vẫn làm những việc không được phép. Điều tối kị đối với ngành y- nơi cần sự tuân thủ các nguyên tắc một cách tuyệt đối.

Ở trong câu chuyện cụ thể xảy ra ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, nhóm bác sĩ không biết có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ không, nhưng vẫn làm liều ở một nơi không có chức năng đó. May là chưa xảy ra tai biến, nếu không rất có thể lại là một sự cố cực đau lòng. Không phải là tất cả, những vì sao vẫn còn có những người thầy thuốc có năng lực, được đào tạo khắt khe, kỹ lưỡng lại vẫn nhắm mắt làm liều chỉ vì chạy theo tiền bạc?

Điều này, không phải chỉ có thể trả lời một cách chung chung rằng cần nâng cao y đức. Có rất nhiều vấn đề đặt ra, từ đào tạo, từ quản lý và từ sự xuống cấp của một bộ phận trong xã hội. Nói cho công bằng, đâu phải chỉ mình thầy thuốc mai một đạo đức, còn nhiều ngành khác, nghề khác cũng đang tương tự…, nhất là khi đồng tiền xen vào nhiều mối quan hệ xã hội, đâu phải chỉ thầy thuốc - người bệnh.

Nhưng đối với một nghề đặc biệt như thầy thuốc, dù trong hoàn cảnh nào, đòi hỏi về y đức vẫn là một yêu cầu không thể nào khác được. Và trong thực tế, vẫn rất nhiều những con người mà tài y thuật, nhân cách lương y không bị mất đi.

Việc lợi dụng phòng mổ của bệnh viện để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trong trường hợp cụ thể của nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được biết chỉ là sai lầm của một ê kíp chứ không phải chủ trương của bệnh viện.

Nhưng nếu nhìn cho rộng ra, trong nhiều bệnh viện hiện nay đang tồn tại khá phổ biến việc lợi dụng cơ sở vật chất công để chữa bệnh “tư”, mà nó hẳn hoi là một việc làm có chủ định. Nhiều nơi trang thiết bị kỹ thuật cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư ở các bệnh viện công đang bị lợi dụng núp dưới hình thức khám chữa bệnh chất lượng cao, hoặc tự nguyện mà tiền trả cho dịch vụ ấy thì Nhà nước không thu được.

Ví dụ trên cơ sở phòng ốc, thiết bị, danh tiếng của bệnh viện người ta cho lập ra những khu chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu, những phòng bệnh nội trú theo yêu cầu. Không thể không có ảnh hưởng đối với người bệnh bình thường.

Khi rõ ràng phòng này 3, 4 người một giường, phòng kia chềnh ềnh bỏ không cũng mặc kệ, vì phòng kia giá tiền đắt không có đủ tiền không được vào nằm. Trong khi cả phòng này lẫn phòng kia đều do tiền nhà nước bỏ ra xây.

Những dịch vụ khám theo yêu cầu cũng vậy, bác sĩ vẫn ăn lương nhà nước, bệnh viện vẫn nhà nước xây, máy móc chiếu chụp vẫn do nhà nước đầu tư, mà để phục vụ tốt cho những người trả tiền dịch vụ cao, tất yếu những người không có tiền sẽ bị sao nhãng, bị phục vụ không tốt.

Có lẽ đã đến lúc cần xem lại cơ chế xã hội hóa trong các bệnh viện. Công - tư rõ ràng. Nếu cần thiết Nhà nước cũng lập ra các bệnh viện công chất lượng cao riêng biệt, thu tiền cao, chất lượng tốt, dịch vụ đắt đỏ.

Chứ không nên lẫn lộn những khoa, những khu khám chữa bệnh theo yêu cầu, chất lượng cao, những phòng bệnh tự nguyện trong những bệnh viện công mà nó rất dễ bị lợi dụng và nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến những người bệnh khám chữa bệnh bằng phúc lợi xã hội mà bất kỳ Nhà nước nào cũng buộc phải có trách nhiệm lo.

Hải Thượng Lãn Ông nói, đạo thầy thuốc là một nhân thuật, chuyên lo trị bệnh cứu người. Muốn vậy, ngoài việc đào tạo, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ để tạo ra những người thầy thuốc giữ được đạo của mình còn cần cơ chế để trong ngành ấy, nghề ấy không sinh ra những người lỗi đạo.

Ngọc Anh