6 lưu ý cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Ngọc Linh 20/05/2017 09:00

Điểm nổi bật trong chương trình GDPT mới là thay đổi cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực người học, giúp người học chủ động, linh hoạt, sáng tạo đảm bảo kết hợp giữa dạy chữ và dạy người- đó là khẳng định của PGS.TS Thái Văn Thành (Trường ĐH Vinh) khi ông trao đổi về nội dung Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

PGS. Thái Văn Thành đặt vấn đề, giáo dục nước ta thế kỷ XXI phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế về giáo dục đã trở thành xu thế tất yếu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế trí thức ngày càng phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến sự phát triển của các nền giáo dục trên thế giới.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” và “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.

Trong bối cảnh ấy, Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể đã thay đổi từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận phát triển năng lực người học, giúp người học chủ động, linh hoạt, sáng tạo đảm bảo kết hợp giữa dạy chữ và dạy người.

Theo PGS Thành, Chương trình GDPT tổng thể đã kế thừa, phát huy được ưu điểm của Chương trình và SGK hiện hành; tiếp thu kinh nhiệm của các nước có nền giáo dục phát triển để xây dựng Chương trình mới theo hướng chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của người học; Chương trình đảm bảo tính hiện đại, tính dân tộc; liên thông giữa các lớp, cấp học và liên thông với chương trình mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Một điểm rất mới là chương trình được xây dựng theo hướng mở. Quan điểm của PGS. Thành cho rằng, chương trình mới có những điểm mới đáng chú ý như: Xác định phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho người học; Xây dựng chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các môn học mới có tính tích hợp đảm bảo tính khoa học; Học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp rõ nét.

“Chương trình đã chỉ rõ các điều kiện tối thiểu về tổ chức và quản lý nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, xã hội hóa để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới.

Nhìn chung, Chương trình GDPT tổng thể được xây dựng công phu, nghiêm túc, bài bản, trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khoá XIII”- PGS.Thành nói.

Tuy nhiên, ông đề nghị để Chương trình triển khai có hiệu quả, cần tập trung vào một số lưu ý.

Thứ nhất, về cách trình bày năng lực, việc dùng động từ, thuật ngữ cần thống nhất ở các mức độ năng lực; cần có thêm chủ đề liên môn.

Thứ hai, với số môn học, tiết học trong Chương trình ở giai đoạn giáo dục cơ bản, để giảm áp lực học tập cho học sinh cần chỉ đạo nhà trường từng bước thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ ba, môn Thế giới công nghệ ở cấp tiểu học nên tích hợp vào môn Tìm hiểu công nghệ hoặc chuyển lên dạy ở lớp 4.

Thứ tư, phần phụ lục của Chương trình có bảng mô tả biểu hiện phẩm chất và năng lực của học sinh là rất tốt, tuy nhiên cần phải xây dựng chuẩn đầu ra Chương trình GDPT, chuẩn đầu ra cấp học, chuẩn đầu ra môn học. Đây là căn cứ quan trọng để xây dựng chương trình và SGK, chương trình địa phương, chương trình nhà trường và chương trình môn học.

Thứ năm, Chương trình cần có định hướng cho địa phương, nhà trường xây dựng triết lý nhà trường theo định hướng: Dân chủ, trải nghiệm và sáng tạo.

Thứ sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các trường sư phạm nhanh chóng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Ngọc Linh