Văn mẫu

Thanh Thanh 21/05/2017 10:05

Chiều qua, con gái tôi đang học lớp 4 phấn khởi khoe được 9 điểm môn Tiếng Việt và đòi thưởng một bữa KFC vì theo con môn này khó lắm. Khó vì phải học thuộc và viết rất dài. Tôi để ý trong quá trình ôn thi, giáo viên có cho dàn ý chính để học sinh dựa vào đó làm bài. Rồi sau khi các con hoàn chỉnh thành bài văn thì học thuộc để đến ngày thi mà viết.

Thường ngày, tôi vẫn dạy con rằng bài tập làm văn cần có sự sáng tạo, cảm xúc và suy nghĩ cá nhân, con cứ suy nghĩ sao thì viết như thế. Thế nhưng cháu nhất định không nghe mẹ mà nói như khóc “Cô con bảo thế”.

Với phương pháp dạy như thế này, có thể nói không chỉ con tôi và chắc chắn các bạn trong lớp cũng vậy thường dựa vào văn mẫu hoặc dựa vào các ý trong dàn ý cô cho sẵn mà viết lại nên rất hạn chế về mạch cảm xúc. Thậm chí cảm xúc cũng thường na ná giống nhau. Ví dụ như em rất yêu quý con mèo nhà em vì nó tinh nghịch và từ ngày có mèo nhà em không còn chuột nữa... Hay khi tả về cô giáo em kiểu gì cũng cô có dáng người thon thả, khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, môi trái tim.... Rất ít học sinh chịu tìm tòi khám phá ra các ý mới, ý riêng, sâu sắc, do chính bản thân các em cảm nhận. Có những học sinh tỏ ra lo lắng nếu không làm theo hướng dẫn thì thường bị điểm kém.

Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) từng chia sẻ: Trẻ cầm bài văn về nhà đọc thuộc để hôm sau đến lớp chép lại, trẻ được học trước mỗi khi đến lớp có dự giờ là căn bệnh hình thức trong giáo dục nhưng còn gọi là bệnh giả dối. Người giáo viên dạy học sinh làm văn phải xuất phát từ những rung cảm chân thật. Làm sao để các em phát huy được tính tích cực, sáng tạo, không gò ép theo khuôn mẫu.

Đáng tiếc, việc cả lớp làm một bài văn gần giống nhau và việc trùng lắp ý tưởng sẽ hình thành những bộ óc thiếu sáng tạo, ngại đổi mới sau này. Vì vậy, có lẽ muốn đổi mới giáo dục, muốn có những nhà văn tài năng, những đầu sách hấp dẫn, bán chạy trong tương lai thì ngay từ những năm đầu tiên khi ngồi trên ghế nhà trường học sinh cần được khuyến khích tư duy sáng tạo.

Mới đây tôi và đồng nghiệp đã không thể nhịn được cười khi đọc bài văn của một học sinh lớp 4 tả về cây cối. Em này nói: “Em thích nhất cây ATM ở gần nhà em vì ngoài việc nó có màu sắc rất đẹp, lại có ích là cho ra tiền…”. Cười xong thì mọi người băn khoăn em sẽ được cô giáo cho điểm mấy?

Không biết phản ứng của giáo viên thế nào nhưng có lẽ từ ví dụ thực tế này, thiết nghĩ với giáo viên, việc ra đề kiểm tra và đề thi cần gợi mở tư duy sáng tạo. Khi chấm bài, giáo viên cần phê cụ thể những lỗi sai của các em, cần khuyến khích các em mạnh dạn trong việc trình bày ý kiến, suy nghĩ riêng. Đồng thời giúp các em thoát ra khỏi các bài văn mẫu,phát huy tư duy sáng tạo.

Thanh Thanh