'Cánh tay robot dành cho người khuyết tật' đạt giải Ba tại Mỹ
8 học sinh Việt Nam đã được xướng tên trong lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2017 (Intel ISEF) tổ chức tại bang California, Mỹ vào rạng sáng 20/5 (giờ Việt Nam).
Em Phạm Huy vui mừng khi nghe tên mình được thông báo trong kết quả cuộc thi. Ảnh: Báo Quảng Trị.
Mặc dù không đạt giải cao nhất trong cuộc thi nhưng 8 học sinh Việt Nam được xướng tên ở nhiều hạng mục.
Người giành giải cao nhất - giải Ba là em Phạm Huy (học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị) với dự án "Cánh tay robot dành cho người khuyết tật" ở hạng mục "Robot và máy móc thông minh".
Phạm Huy sinh năm 2000, học sinh lớp 11A3, Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Yêu thích robot từ nhỏ, với mong muốn sáng tạo một sản phẩm giúp đỡ những người bị dị tật bẩm sinh, tai nạn giao thông, bom mìn…, Huy đã sáng tạo được “Cánh tay robot dành cho người khuyết tật” chỉ sau 1 năm nghiên cứu.
Đề tài “Cánh tay robot dành cho người khuyết tật” của Phạm Huy cũng đã giành giải Nhất lĩnh vực robot – máy tính tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017 khu vực phía Bắc.
Cũng ở hạng mục này, đoàn học sinh Việt Nam còn giành được 1 giải Tư. Đó là công trình "Găng tay phiên dịch tương thích với điện thoại thông minh dành cho người khiếm thính" của Chử Hoàng Minh Đức và Phạm Thiên Tân (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM).
Ở hạng mục "Hóa học", đoàn Việt Nam được trao 2 giải Tư cho công trình của Trần Khuê - Vũ Nam Anh (học sinh Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) và Bùi Đỗ Minh Quân- Đỗ Mai (học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng).
Em Trần Thị Anh Thư (học sinh Trường THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng) giành giải Tư với công trình "Phần mềm hỗ trợ học Hóa, tích hợp công nghệ thực tế tăng cường trên nền tảng Android" trong hạng mục "Phần mềm hệ thống".
Cuộc thi năm nay do Tập đoàn Intel tổ chức với sự góp mặt của gần 1.800 thí sinh đến từ 78 quốc gia trên thế giới.
Năm nay, giải thưởng cao nhất trị giá 75.000 USD được trao cho Ivo Zell, học sinh 18 tuổi người Đức với những cải tiến trong thiết kế máy bay.