Huyện Tân Sơn: Từ thay đổi nhận thức đến hiệu quả giảm nghèo
Sau 10 năm chia tách từ huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ), với diện tích tự nhiên gần 69 nghìn ha (chiếm gần 1/5 diện tích toàn tỉnh), dân số trên 80 nghìn người (trong đó 82,3% là đồng bào thiểu số), Tân Sơn vẫn là một trong 61 huyện trong cả nước đang thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ...
Ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo” .
Truyền thông giúp người dân cách tiếp cận mới về giảm nghèo
Là một huyện miền núi có diện tích đất tự nhiên lớn nhất tỉnh nhưng Tân Sơn có tới 85% là đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, toàn huyện chỉ có hơn 2.200 ha đất trồng lúa nước.
Trong 17 đơn vị hành chính cấp xã thì có tới 14 xã đặc biệt khó khăn (trong đó có 01 xã ATK); 03 xã với 08 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; 27 khu bản động...
Hiện nay, Tân Sơn vẫn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, chiếm 26,38% (theo chuẩn mới), giảm 26,04% so với năm 2008 (bình quân của tỉnh là 10,51%); hộ cận nghèo chiếm 15,03%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm (mức bình quân của tỉnh là 33 triệu đồng), tăng 5 lần so với năm 2007...
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo” do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức tại TP Việt Trì trong 2 ngày 17,18/5/2017, ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Phú Thọ cho biết: Huyện Tân Sơn hiện không còn hộ đói, chỉ còn hộ nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc gặp nhiều khó khăn hơn các nơi khác...
Theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, địa phương có thuận lợi hơn trong việc đánh giá, nhận diện hộ nghèo. Song trong thực tế, các chính sách ban hành còn quá nhiều, người dân không nhớ hết được. Không ít cán bộ cơ sở cũng chưa nắm vững nên khi triển khai còn lúng túng. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình không muốn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đây chính là lực cản lớn trong công tác giảm nghèo...
Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang thực hiện “giảm nghèo theo chỉ tiêu”, mỗi năm phải phấn đấu giảm một tỷ lệ nhất định, chưa kể năm sau phải cao hơn năm trước.
Thực tế cho thấy, càng về sau, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo theo cách “rút chũm” càng khó hơn bởi vì những hộ có khả năng thì đã thoát nghèo, còn lại đều là những hộ đặc biệt. Nhiều gia đình, nhiều mảnh đời rất bất hạnh, nghèo khó do tàn tật, hoàn cảnh éo le, mất sức lao động, tai nạn... khó có thể thoát nghèo nên cần tiếp tục có chính sách đặc thù hoặc bảo trợ xã hội cho các đối tượng này.
Thêm vào đó, chính quyền cơ sở chưa có nhiều cách làm sáng tạo, thiếu chủ động. Việc lập kế hoạch thực hiện rất chung chung, thiếu chi tiết, chưa sát với hoàn cảnh của từng hộ nghèo. Muốn giúp người dân thoát nghèo phải nhận dạng đúng điều kiện cụ thể của từng hộ mới có thể giúp họ vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.
Do vậy, muốn giảm nghèo phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức, tư duy lãnh đạo của các cấp chính quyền. Cùng với đó là việc tích hợp các chính sách giảm nghèo từ khi ban hành ở Trung ương, đồng thời nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của báo chí - một trong những kênh thông tin có vai trò tích cực trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của các cấp chính quyền và của chính người dân...
Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Điều quan trọng trong việc tuyên truyền về giảm nghèo là góp phần cho người dân hiểu rõ hơn về cách tiếp cận mới về giảm nghèo, không chỉ đo lường về nhóm tiêu chí thu nhập mà bao gồm cả nhóm tiêu chí phi thu nhập như dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin...
Đồng thời, báo chí góp phần truyền tải định hướng lớn của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là giảm dần việc hỗ trợ “cho không” chuyển sang việc tăng cường sự chủ động tiếp cận với các chính sách và các dịch vụ xã hội của người nghèo, phát huy tính tự lực, tránh tâm lý ỷ lại, đồng thời cán bộ cơ sở “từ bỏ” ý tưởng không muốn địa phương mình thoát nghèo để hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước...
Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong giảm nghèo đa chiều bền vững. Vượt qua những thách thức ấy, đòi hỏi phải thay đổi nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp và của người dân - đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo. Thay đổi nhận thức là cả một quá trình và không hề đơn giản đối với các cấp chính quyền và người dân...
Nỗ lực để thoát nghèo
Chia sẻ với các phóng viên trong chuyến khảo sát thực tế về nâng cao chất lượng công tác truyền thông giảm nghèo, ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân, nhất là các nguồn lực của Chương trình 30a, của các tổ chức, doanh nghiệp đã song hành với chính quyền và nhân dân trong công tác giảm nghèo.
Từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, đến nay, các tuyến đường giao thông và hệ thống chiếu sáng cơ bản hoàn thành từ trung tâm huyện đến 100% số xã; Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt trên 80%; 12 Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có hội trường trung tâm và điểm bưu điện văn hóa; Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 95%; 02 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 6-14 tiêu chí...
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167 cùng với các chương trình khác đã xóa được 4.200 căn nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo. Các nguồn kinh phí hỗ trợ về con giống, cây giống phục vụ sản xuất đã giúp nhiều hộ thoát nghèo (bình quân đạt 4,66%/năm)...
Một trong những cách làm hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp là tập trung làm tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân thoát nghèo bằng nghị lực của mình. Nhiều gia đình đã tập trung phát triển kinh tế, tăng thu nhập từ đồi rừng, chăn nuôi, xuất khẩu lao động... đã thoát nghèo từ chính nguồn nhân lực của gia đình.
Để người dân tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, huyện đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, hội, khu dân cư phổ biến chủ trương giảm nghèo bền vững để người dân tranh thủ các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tự giác vươn lên thoát nghèo thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước trong từng giai đoạn nhất định...
Có thể khẳng định, từ khi triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bộ mặt huyện miền núi Tân Sơn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn về những khó khăn trong công tác giảm nghèo. Đó là, hiện nay, nguồn thu nhập của các hộ gia đình chủ yếu từ nông - lâm nghiệp nên chưa thực sự ổn định, khó bền vững do giá cả đầu ra của nông sản thấp, thị trường bấp bênh.
Bên cạnh đó, huyện chưa phát triển các khu công nghiệp nên vấn đề tạo việc làm cho lao động còn hạn chế; Diện tích đất rộng nhưng không chia đều cho tất cả các hộ gia đình, thậm chí có gia đình thiếu đất hoặc không có đất sản xuất; Nhận thức về giảm nghèo của đồng bào dân tộc chưa đồng đều; Nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a mới đạt 42% so với nhu cầu đầu tư; Cách thức và kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo còn ở mức thấp, mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 con bò hoặc 02 con dê phải đợi thời gian vài ba năm mới có thu nhập; Cơ chế vận hành chính sách trong nhiều giai đoạn còn chồng chéo và nhỏ lẻ dẫn đến công tác quản lý gặp khó khăn, ngay cả hộ nghèo cũng không thể nhớ được gia đình đang thụ hưởng những chính sách nào, được hỗ trợ gì, bao nhiêu, từ chương trình nào...
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 từ 4% trở lên và phấn đấu ra khỏi diện huyện nghèo vào năm 2020, các cấp ủy, chính quyền của huyện Tân Sơn tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền để các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước đi đôi với việc phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng hộ gia đình.
Thực hiện các biện pháp hữu hiệu, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa nhằm tạo ra phong trào sâu rộng, trong đó chú trọng phát huy năng lực và trao quyền cho cộng đồng dân cư. Đầu tư theo hướng cho vay vốn hoặc hỗ trợ có điều kiện. Nhân rộng điển hình hộ gia đình tích cực vươn lên thoát được nghèo để tác động đến các hộ còn lại. Đối với những hộ gia đình đặc biệt khó khăn cần có nguồn lực hỗ trợ khác...
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất theo hướng hợp lý, hiệu quả; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước...
Đồng thời, kêu gọi đầu tư vào các điểm du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn, sớm xúc tiến xây dựng các khu công nghiệp để thu hút lao động nông thôn.