Quản lý chặt chi tiêu
Theo Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2016 của Bộ Tài chính, dù Chính phủ đã siết chặt mua sắm tài sản công nhưng vẫn còn tình trạng mua sắm 1.164 xe công. Trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Đức Thụ - Phó Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Tài chính của ta khó khăn, kinh tế phát triển chậm lại.
Để ổn định thì phải giữ được cân đối, trong đó có cân đối ngân sách. Để giảm nợ công, bội chi hơn lúc nào hết phải quản lý chặt chi tiêu, những gì chưa thực sự cần thiết thì chưa nên đầu tư.
Ông Bùi Đức Thụ.
PV:Thưa ông dù trong năm 2016 Chính phủ đã siết chặt tình trạng mua sắm tài sản công nhưng vẫn còn tình trạng mua sắm 1164 xe công. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về tính kỷ luật kỷ cương tài chính?
Ông Bùi Đức Thụ: Hiện số xe công được mua sắm theo tiêu chuẩn, căn cứ vào quy định nhà nước, những người có hệ số trách nhiệm từ 1,25 trở lên thì được bố trí xe đưa đón. Ngoài xe đưa đón cá nhân thì trong cơ quan công sở còn có xe chung. Tất cả đã có quy định, định mức cụ thể đối với từng cơ quan, cán bộ.
Trong những năm qua do điều kiện nợ công của ta tăng cao, bội chi ngân sách cao diễn ra liên tục trong nhiều năm đe dọa an ninh tài chính quốc gia, vì vậy Quốc hội, Chính phủ chủ trương thắt chặt chi tiêu công để lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Một trong những vấn đề đó là chi ngân sách quán triệt tinh thần triệt để, tiết kiệm. Một trong những khoản tiết kiệm đó có hạn chế xây dựng trụ sở, mua sắm xe công, tổ chức lễ hội khánh tiết.
Do vậy quản lý mua sắm sử dụng xe công là một trong những vấn đề được đặt lên trong thời gian qua. Trong năm 2016 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã rà soát và hạn chế được mua sắm xe công. Nếu so với trước kia số lượng xe công mua sắm trang bị cho cơ quan công quyền đúng là có giảm xuống, và đấy là điều tích cực.
Nhưng bên cạnh đó vẫn có tình trạng một số bộ ngành, địa phương quản lý, mua sắm xe không đúng tiêu chuẩn, chế độ định mức. Nó thể hiện rõ nhất là một số địa phương mua sắm xe vượt tiêu chuẩn.
Đối với từng cán cán bộ đã có quy định, định mức giá trị xe giá trị bao nhiêu, nhưng qua thanh tra, kiểm tra kiểm toán giá trị xe thì có lãnh đạo địa phương dùng xe 2-3 tỷ đồng là không đúng tiêu chuẩn, quy định chế độ định mức.
Sở dĩ có điều này thứ nhất do mua sắm không tuân thủ nghiêm theo tiêu chuẩn, chế độ định mức mà Nhà nước ban hành, quy định; thứ hai là có tình trạng lách luật biểu hiện ở chỗ nhận xe của các doanh nghiệp, hoặc tổ chức cá nhân khác hiến tặng cho Nhà nước mà những doanh nghiệp này hoạt động trên địa bàn có quan hệ chặt chẽ với đầu tư phát triển địa phương.
Họ biếu xe cho địa phương có giá trị cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn, để sử dụng xe đó tỉnh lại phân công cho lãnh đạo tỉnh sử dụng. Nguồn tài sản đó không sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước nhưng xét về tiêu chuẩn chế độ thì vượt tiêu chuẩn, chế độ định mức Nhà nước quy định.
Hơn lúc nào hết quản lý xe công cần siết lại. Đã là tiêu chuẩn sử dụng với từng cán bộ thì nên tuân thủ để đảm bảo công bằng. còn nguồn xe có giá trị cao hơn quy định được tổ chức, cá nhân hiến cho Nhà nước thì nên có cơ chế sử dụng chung, và theo tôi nên báo cáo Thủ tướng.
Nếu cần thì đấu giá bán lại cho tổ chức cá nhân khác lấy tiền xung vào công quỹ, tránh tình trạng lợi dụng nó nói rằng đây không phải tiền ngân sách nhà nước mà dẫn đến sử dụng vượt tiêu chuẩn, dẫn đến mất công bằng giữa những cán bộ Nhà nước, rồi đằng sau nó lại xuất hiện nảy sinh nguy cơ tiêu cực.
Đối với những xe hay tài sản mà được tổ chức, cá nhân hiến tặng cho Nhà nước thì theo ông việc sử dụng cần được quản lý như thế nào?
- Vấn đề đặt ra là trong điều kiện hiện tại của Việt Nam tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao, gia đình chính sách được Nhà nước hỗ trợ cũng chỉ đảm bảo một tỷ lệ nhất định.
Những vấn đề từ thiện nên hướng vào đó chứ cho xe cho cơ quan công quyền thì cần làm rõ mục đích của việc này. Nếu như hiến cho Nhà nước dù ở cấp tỉnh hay huyện thì xung vào công quỹ, bán đấu giá để bỏ tiền đó vào quỹ từ thiện, nếu làm như vậy đảm bảo không tổ chức cá nhân nào hiến xe cho địa phương nữa.
Cho nên đằng sau đó xem có động cơ nào đằng sau quản lý kinh tế đầu tư không? Bởi có biểu hiện một số doanh nghiệp muốn tham gia vào dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước cũng bằng cách này cách kia để có sự ủng hộ của chính quyền. Cho chính quyền xe thì cần rà lại để làm rõ chỗ đó đúng sai ở mức độ nào?
Nhưng điều quan trọng nhất là trật tự quản lý kinh tế tài chính, nhất là doanh nghiệp trên địa bàn rồi quản lý đầu tư xây dựng cơ bản phải đồng bộ, chặt chẽ minh bạch hơn nữa theo quy định của pháp luật, đấu thầu phải công khai, mua sắm tài sản công thì cũng phải đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định. Nếu làm như vậy việc tác động bằng việc biếu xe cho chính quyền địa phương sẽ giảm xuống, đừng để lợi dụng việc này để làm việc khác.
Ngoài sử dụng mua sắm xe công vượt định mức tiêu chuẩn còn có một thực tế là nhiều nơi xây dựng trụ sở quá mục đích sử dụng, rồi sau đó lại cho đơn vị khác thuê lại, điều đó cũng làm tốn tiền ngân sách trong đầu tư xây dựng. Việc này cần chấn chỉnh lại, thưa ông?
- Trong thời gian qua, một số địa phương muốn xây dựng một trung tâm hành chính tích hợp các cơ quan chung một địa điểm. Điều này để đảm bảo cho người dân đến cơ quan công quyền làm việc thì đỡ phải đi nhiều cơ quan, nếu tích hợp ở một nơi thì thuận lợi cho dân đỡ phải đi lại.
Thứ hai là cải cách hành chính 1 cửa liên thông luôn bộ phận này với bộ phận khác, phối kết hợp tốt hơn cho dân đỡ khổ, Nhà nước cũng tập trung vào 1 đầu mối quản lý cán bộ, rồi họp hành đi lại cũng đỡ vất vả. Đó là điều tích cực.
Tuy nhiên việc xây dựng trung tâm hành chính phải xem hiện đã ở mức bức xúc chưa. Qua làm việc ở một số bộ phận, cơ quan thấy rằng đúng là có việc trụ sở được xây dựng từ nhiều năm giờ xuống cấp, rồi trước nhỏ hẹp, giờ các cơ quan đông lên thì cần đầu tư.
Nhưng bên cạnh những chỗ cấp bách, thì nhiều bộ, ngành địa phương đua nhau làm trụ sở to quá. Trong 2 năm gần đây Chính phủ đã không phê duyệt nhiều dự án đầu tư xây dựng trụ sở. Đó là điều tiến bộ, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội nhưng những năm trước kia một số tỉnh xây dựng trụ sở quá hoành tráng dẫn đến vượt tiêu chuẩn định mức sử dụng; dẫn đến số diện tích chưa sử dụng phục vụ cho cơ quan còn lớn cho nên có nơi cho cơ quan khác, hay dịch vụ vào làm.
Đó là không đúng. Điều này cần nghiêm cấm và rút kinh nghiệm. Trong 2 năm gần đây, việc phê duyệt đề án xây dựng trụ sở đã bắt đầu thắt chặt và chuyển động tương đối rõ rét.
Từ tình hình tài chính hiện tại, ông có lưu ý gì trong phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách?
- Trong điều kiện kinh tế tài chính của ta khó khăn, điều kiện kinh tế của ta 6 tháng cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đã phát triển chậm lại. Kinh tế chậm lại, những khó khăn trong nền kinh tế tăng lên, biểu hiện rõ nhất là nợ công tăng lên, nợ xấu chưa giảm và hiện tại vẫn dồn cục lại và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ là hiện hữu, kim ngạch xuất khẩu có tăng nhưng nguy cơ nhập khẩu vượt mức dẫn đến nhập siêu là rất lớn.
Trước tình hình đó chủ trương của Đảng, Quốc hội lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu. Để ổn định thì phải giữ lại những cân đối, duy trì những cân đối một cách bền vững, trong đó có cân đối tài chính ngân sách.
Để giảm nợ công, bội chi hơn lúc nào hết phải quản lý chặt chi tiêu, đảm bảo hiệu quả, những gì chưa thực sự bức xúc cần thiết thì chưa nên đầu tư. Ở một số tỉnh trụ sở vẫn hoạt động được thì không nên chuyển đổi xây dựng những công trình trụ sở lớn.
Trân trọng cảm ơn ông!