Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Chú trọng năng lực đội ngũ cán bộ quản lý

TH.Anh 22/05/2017 08:00

Đó là ý kiến đóng góp của một số chuyên gia giáo dục, đang công tác tại Học viện Quản lý giáo dục cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể mới.

Theo các chuyên gia, Chương trình GDPT tổng thể mới muốn thực hiện được tốt không chỉ cần nâng cao năng lực của dội ngũ giáo viên, mà đội ngũ quản lý cũng cần được bồi dưỡng. Nghĩa là cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.

Bàn về Chương trình GDPT tổng thể, PGS.TS Trần Ngọc Giao- nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhận định: Quy trình xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tương đối rõ ràng, có tính hệ thống từ khâu xác định quan điểm tiếp cận, mục tiêu, yêu cầu, kế hoạch giáo dục đến định hướng nội dung, phương pháp, đánh giá và điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Giao cũng cho rằng, Chương trình mới hướng tới hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và các năng lực cốt lõi, theo xu thế phát triển giáo dục quốc tế hiện nay…

Những yêu cầu về các phẩm chất chủ yếu, các năng lực cốt lõi cần hình thành cho học sinh được coi là căn cứ xây dựng chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá kết quả giáo dục học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông.

Tương tự, TS Nguyễn Thị Thanh- Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, đây là chương trình diễn đạt mục tiêu dưới dạng những phẩm chất và năng lực cụ thể.

Đồng thời cũng là chương trình quan tâm đến phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, thi cử, quan tâm đến phát triển toàn diện con người về các mặt thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đạo đức… Tuy nhiên, để Chương trình có thể thực hiện được thành công các chuyên gia cũng khẳng định cần phải có một số thay đổi.

Theo GS Nguyễn Đức Chính- Học viện Quản lý giáo dục, muốn chuyển nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực, chúng ta cần cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.

Ông Chính cũng nhấn mạnh, trong công cuộc cách mạng này vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình.

Chung quan điểm trên, TS Nguyễn Liên Châu-Học viện Quản lý giáo dục khẳng định: Đội ngũ cán bộ quản lý GDPT cần được học tập lý luận nội dung đổi mới. Việc mở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý GDPT hiện nay cần tổ chức lớp theo vị trí việc làm và chức danh quản lý.

TS Nguyễn Thị Thanh cũng đưa ra khuyến nghị về việc bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới. Bà Thanh cho rằng cần thiết kế lại chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông theo hướng tiếp cận mới của Chương trình GDPT tổng thể.

Bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để có nội dung phù hợp giúp người cán bộ quản lý có kiến thức, kỹ năng cần thiết khi quản lý nhà trường.

Bên cạnh đó, bà Thanh cũng cho rằng, trong nội dung chương trình cần lưu ý những nội dung hướng dẫn cách phân cấp, phân quyền trong nhà trường để mỗi tổ chức trong nhà trường như tổ chuyên môn hoặc cá nhân mỗi giáo viên được tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Về phương thức quản lý cũng nên chuyển từ việc quản lý giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện sang quản lý kết quả để nâng cao tính chủ động cho đội ngũ…

Đặc biệt, theo bà Thanh, cần thiết kế các hoạt động thực tế theo các nội dung chương trình bồi dưỡng, tăng cường thời lượng của chương trình bồi dưỡng cho hoạt động tham quan, học tập các cơ sở giáo dục tiên tiến, điển hình…

TH.Anh