Vai trò Mặt trận trong đời sống xã hội
Những năm qua MTTQ TP Cần Thơ, các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố và MTTQ tại 9 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn đã tích cực triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW trong toàn hệ thống.
Trong 3 năm qua, ngoài việc bám sát 12 chương trình giám sát do MTTQVN chủ trì và 10 hoạt động giám sát do MTTQ tham gia, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức được 141 cuộc giám sát.
Trong đó, MTTQ thành phố đã chủ trì 9 đợt giám sát với 53 cuộc; tham gia giám sát cùng các tổ chức và Thường trực HĐND thành phố, các ban HĐND thành phố được 68 cuộc. Các nội dung giám sát và phản biện xã hội được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm hướng về cơ sở và những vấn đề được đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm.
Hằng năm, MTTQ TP Cần Thơ đều xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác giám sát, hướng dẫn MTTQ cấp huyện, xã thực hiện. Theo đó, tại các quận, huyện đã tổ chức được 327 cuộc giám sát; cấp xã, phường, thị trấn có 230 cuộc; Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thực hiện giám sát trên 1.500 cuộc.
Trong việc thực hiện công tác giám sát, MTTQ TP Cần Thơ tổ chức giám sát với các nội dung trọng tâm như: tái giám sát Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị thành phố Cần Thơ và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân tại các quận, huyện; giám sát việc chấp hành pháp luật trong các cơ sở y tế tư nhân; giám sát việc chấp hành pháp luật về BHYT-BHXH; giám sát hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;...
Công tác phối hợp giám sát trên địa bàn thành phố luôn được Ban Thường trực UBMTTQ TP cùng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban của HĐND thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát việc chấp hành và thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội qua đó động viên nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn.
Tổ chức các đoàn giám sát việc chấp hành thực hiện pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị. MTTQ các cấp phối hợp Viện Kiểm sát thành phố kiểm sát, giám sát đối với nhà tạm giữ Công an các quận, huyện và Trại tạm giam Công an TP Cần Thơ.
Qua giám sát và tái giám sát đã kịp thời phát hiện nhiều vấn đề còn lỏng lẻo và sai sót, để nhắc nhở - kiến nghị với cấp ủy, chính quyền uốn nắn, chấn chỉnh. Vai trò của 85 Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được phát huy, nâng cao ý thức trong nhân dân, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát qua đó từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, tham nhũng, gây lãng phí của cán bộ, viên chức nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm giải quyết những kiến nghị của MTTQ các cấp theo quy định.
Đối với công tác phản biện xã hội, UBMTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, các quận, huyện liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân tạo nên sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất hành động.
Theo đó đã tổ chức 24 cuộc hội nghị gắn với các nội dung phản biện như: các dự thảo đánh giá tình hình kinh tế- xã hội và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương hàng năm, các dự thảo nghị quyết tại các kỳ họp HĐND các cấp, phản biện Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện luật hình sự; Luật Quy hoạch; Luật Tổ chức VKSND; Luật Tổ chức TAND... một số vấn đề thời sự được xã hội quan tâm.
Bà Phan Thị Hồng Nhung- Chủ tịch UBMTTQ TP Cần Thơ cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ TP Cần Thơ đã tập trung một số giải pháp như: Tiếp tục công tác tuyên truyền, quán triệt Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị để nắm và hiểu đầy đủ những quy chế và quy định của Trung ương; Lựa chọn những vấn đề ưu tiên của mỗi cấp, những nội dung, vấn đề bức xúc mà địa phương đang quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Trước khi tổ chức giám sát, MTTQ chuẩn bị tốt các yêu cầu và điều kiện phục vụ cho giám sát như: lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp ủy, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn giám sát, tổ chức giám sát, tổng hợp báo cáo, thông báo kết quả giám sát đến các nơi theo quy định và tiếp tục theo dõi quá trình thực hiện sau giám sát,...
MTTQ chú trọng, bố trí, phân công những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giám sát, phản biện trong giai đoạn hiện nay.