Chào đón chứng khoán phái sinh

H.Hương 23/05/2017 07:30

Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ ra mắt từ ngày 2/6 tới. Sản phẩm đầu tiên được triển khai là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu với chỉ số cơ sở là VN30 Index.

Ảnh minh họa.

Hỗ trợ thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, sự ra đời của thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh sẽ mở ra một cánh cửa mới cho TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung, không chỉ là câu chuyện giúp hoàn thiện thể chế, cấu trúc thị trường mà việc ra đời TTCK phái sinh sẽ mở ra một cánh cửa mới với hàng loạt các sản phẩm và công cụ đầu tư mới, hấp dẫn phức tạp và đa dạng.

Thị trường này cho phép phòng ngừa rủi ro nhưng cũng tạo ra những cơ hội đầu tư sinh lợi cao, hỗ trợ thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Chứng khoán phái sinh (CKPS) được định nghĩa là công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào giá trị của một hay nhiều tài sản cơ sở. Quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán hoặc/và chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

Sản phẩm hợp đồng tương lai hiểu đơn giản là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên thị trường giao dịch tập trung (Sở Giao dịch chứng khoán).

Theo quy định, hệ số nhân đối với VN30 Index là 100.000 đồng, điều này có nghĩa là quy mô hợp đồng cơ sở tương lai chỉ số VN30 Index tại mức 700 điểm là 70 triệu đồng (100.000 đồng x 700).

Tuy vậy, chỉ cần số tiền ký quỹ ban đầu bằng 10% quy mô hợp đồng, tức 7 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể tham gia giao dịch. Thời gian giao dịch của HĐTL tương tự với chứng khoán hiện nay với biên độ dao động giá là 7%.

Đơn vị giao dịch là 1 hợp đồng và giới hạn tối đa 1 lệnh giao dịch là 500 hợp đồng. HĐTL có thời gian đáo hạn là tháng hiện tại, tháng kế tiếp, 2 tháng cuối 2 quý tiếp theo.

Thúc đẩy thanh khoản

Việc ra đời TTCK phái sinh giúp nhà đầu tư có công cụ hữu hiệu phòng ngừa rủi ro khi tham gia đầu tư trên TTCK. Bên cạnh đó, nhờ vào cơ chế tác động giá giữa thị trường phái sinh và thị trường cơ sở giúp giá tài sản cơ sở trên thị trường phản được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư trong tương lai.

Mặt khác, qua hơn một thập niên hoạt động, TTCK Việt Nam đang vận hành 2 thị trường gồm: thị trường giao dịch niêm yết và thị trường trái phiếu Chính phủ.

TTCK Việt Nam chỉ gồm có cổ phiếu phổ thông và một ít chứng chỉ quỹ đầu tư, riêng trái phiếu cơ bản chưa có giao dịch thứ cấp trên thị trường tập trung. Vì vậy, Việt Nam đang rất cần có một TTCK phái sinh, để tạo ra chất xúc tác mới trong huy động vốn hiệu quả hơn.

Theo ông Vũ Bằng, với mục tiêu trước tiên là phòng vệ rủi ro, các sản phẩm phái sinh trở thành các công cụ quản trị rủi ro không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường mà các yếu tố kinh tế như tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa, giá chứng khoán... biến động không ngừng.

Trên khía cạnh đầu tư, với khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính cao khiến cho các sản phẩm phái sinh cũng trở nên thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính trên thế giới, các công cụ phái sinh đặc biệt là công cụ tài chính phái sinh không chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tài chính phòng ngừa rủi ro mà còn là một trong những dịch vụ có tỷ lệ sinh lời cao nhất.

Đối với nhà đầu tư, các sản phẩm chứng khoán phái sinh giúp đa dạng hóa các công cụ đầu tư hiện có, thực hiện các chiến lược phòng vệ rủi ro hiệu quả đối với những biến động giá tài sản cơ sở.

Về phía cơ quan quản lý, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự ra đời một thị trường mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng đầu tư, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước cho nền kinh tế và đảm bảo có đủ cơ chế cần thiết để quản lý, giám sát thị trường, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các sản phẩm phái sinh cũng tạo ra khả năng thúc đẩy tính thanh khoản của chứng khoán cơ sở và TTCK cơ sở. Thông qua các giao dịch kỳ hạn, giao dịch tương lai có thể điều chỉnh được giá của TTCK tại thời điểm hiện tại và không phải bỏ vốn đầu tư ngay tại thời điểm giao dịch. Với lợi ích của chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, một số nước đã chủ động tổ chức thị trường mà không để phát triển tự phát.

H.Hương