GS TS Lê Hồng Lý: Xã hội nào sẽ có văn hoá đó

Thu Hương 17/03/2017 15:10

37 năm làm nghiên cứu về lễ hội, GS TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng công tác tổ chức lễ hội năm nay đã có nhiều tiến bộ, bớt đi nhiều hình ảnh, câu chuyện phản cảm của các năm trước mà báo chí đã phản ánh. Nhưng với sự phát triển của xã hội, có thể sẽ lại nảy sinh ra những phản cảm khác. Vấn đề là phải nghiên cứu để dự đoán được chuyện đó và có phương thức ứng phó.

GS TS Lê Hồng Lý.

Phân cấp quản lý lễ hội: Nói nhiều, làm khó

Nhìn lại công tác tổ chức lễ hội những ngày đầu xuân Đinh Dậu, GS TS Lê Hồng Lý cho rằng năm nay đã có nhiều tiến bộ. Nguyên nhân là các nơi đều đã rút kinh nghiệm các năm trước, đặc biệt là có những chỉ thị nhanh chóng từ Chính phủ và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Lý, trong 2 năm gần đây dường như có một bộ phận người dân chán không muốn đi lễ hội sau khi thấy báo chí tuyên truyền các cảnh xô bồ, cướp ấn… như những năm trước.

Cũng có những hình ảnh phản cảm mà báo chí ghi lại được nhưng rõ ràng năm nay không giống như năm trước. Xã hội phát triển, mọi thứ đều có thể xảy ra. Vấn đề là chúng ta phải nghiên cứu để dự đoán được chuyện đó và có phương thức ứng phó, hạn chế ở mức thấp nhất điều không hay xảy ra.

“Nếu chúng ta làm đúng các việc như phân cấp quản lý – điều đã nói ở rất nhiều hội thảo, hội nghị nhưng không rõ giờ đã thực hiện đến đâu rồi? Có ý kiến cho rằng Nhà nước không nên quản việc lễ hội. Nhưng phải hiểu bây giờ hội không còn là hội làng nữa mà là hội của cả nước, người khắp nơi đổ về làng đó để tham dự lễ hội, thậm chí cả khách nước ngoài. Với lượng người đông như thế, nếu không quản lý ở tầm cao hơn thì rất khó” – GS Lý bày tỏ.

Tuyên truyền thay vì áp đặt

Từng tham dự nhiều lễ hội ở khắp nơi trên cả nước, thậm chí một lễ hội tham dự nhiều lần trong các năm khác nhau, ông Lý cho rằng không thể có một phương án chung phù hợp cho tất cả các lễ hội. Chẳng hạn, có những lễ hội.

Nói vậy để thấy Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch không thể xuống từng địa phương bắt người ta làm cái này cái kia. Bộ chỉ đưa ra những cái chung, vĩ mô còn cụ thể mỗi địa phương phải tìm phương án phù hợp cho mình. Không ai hiểu rõ hơn chính những người dân ở đó, chính quyền ở đó.

Liên quan đến chuyện nơi này nơi kia tổ chức lễ hội bị cho là phản cảm, ý kiến của GS Lý cho rằng cần phải nghiên cứu tại sao nó phản cảm: “Chúng ta đang và rất cần hội nhập quốc tế nhưng hoà nhập chứ không hoà tan. Chẳng hạn, việc đấm bốc hay đấu bò tót ở Tây Ban Nha còn kinh hoàng hơn nhiều lễ hội của Việt Nam mình mà gần đây báo chí lên tiếng chỉ trích” – GS Lý khẳng định.

Nếu có sự nghiên cứu cụ thể, sau đó phân tích, giải thích cho bà con địa phương nơi đó rằng ngày xưa ông cha họ làm khác, nhưng ngày nay nên thay đổi vì có những thứ không phù hợp thì họ rất chia sẻ, thông hiểu rồi, rất đồng thuận làm. Tôi đã từng tham dự những cuộc họp trực tiếp với người dân bàn về lễ hội như thế.

Nhưng nếu cứ áp đặt, cứ cấm thì rất có thể xảy ra hiện tượng làm chui! Thực tế đã từng xảy ra những chuyện đấy rồi.

Làm du lịch nhưng không thương mại hoá lễ hội

Kể lại câu chuyện với người bạn nước ngoài cùng tham dự Lễ hội Đền Hùng, GS Lý trăn trở: Tôi từng nghe người bạn nước ngoài nói rằng họ mơ ước có những lễ hội như thế này mà không có. Lễ hội không bao giờ xấu chỉ là cách tổ chức có thể chưa phù hợp với sự phát triển ngày hôm nay. Tôi cho rằng, đấy là nơi có thể khai thác làm du lịch tốt nhất. Vấn đề là chỉ là tổ chức ra sao để tránh sự phản cảm và những bất cập mà xã hội đã chỉ ra. Nhiệm vụ đó là của tất cả các cấp, các ngành chứ không phải chỉ là trách nhiệm của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Tất nhiên, vai trò dẫn dắt trong chuyện này phải là Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch chứ không thể để người không hiểu biết gì về văn hoá áp đặt.

Tuy nhiên, về phía các địa phương, GS Lý cũng bày tỏ sự thông cảm do nhiều khi chịu áp lực từ trên xuống, từ mọi phía… nên địa phương phải xuôi theo.

Chia sẻ thêm về câu chuyện lễ hội mới và lễ hội truyền thống, GS Lý cho rằng ngay cả các lễ hội truyền thống của chúng ta vốn có thể cũng bắt đầu là một ngày lễ, ngày giỗ nhưng trải qua thời gian dần dần được sàng lọc như cái chúng ta có bây giờ. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi thấy tỉnh bạn, làng bạn có lễ hội chọi trâu thì tỉnh ta, làng ta cũng phải có cho bằng được dù trước đây không có. Cụ thể, trong điều kiện hiện nay, GS Lý cho rằng với các lễ hội chọi trâu vẫn có thể tổ chức, thậm chí làm lớn hơn và thu lại lợi ích quảng bá du lịch nhiều hơn nhưng phải quản lý tốt, tránh các phản cảm. Đặc biệt, có thể kiếm được tiền một cách chính đáng từ lễ hội nhưng không phải bằng mọi giá, không phải bằng hình thức thương mại hoá lễ hội.

“Xã hội nào sẽ có văn hoá đó, sự biến đổi của các lễ hội qua thời gian là rất bình thường. Vấn đề là chúng ta điều chỉnh nó sao cho phù hợp nhưng vẫn giữ được bản chất cốt lõi.

Cần phải nghiên cứu để từ đó phổ biến cho người dân” – GS Lý nhấn mạnh.

Thu Hương