TS Nguyễn Quốc Tuấn: Giáo dục văn hóa lễ hội không thể bằng cách nhồi nhét
“Chúng ta thường nói rất nhiều về những hình ảnh có thể coi là mê muội, phản cảm trong các mùa lễ hội. Nhưng phải hết sức chú ý, lễ hội đã hình thành lâu trong lịch sử nhưng đến nay bị biến tướng. Tôi nghĩ rằng những hình ảnh được lên án vừa qua thực ra là tập hợp những hội khác nhau” - đó là quan điểm của TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
TS Nguyễn Quốc Tuấn.
Điều đầu tiên, chúng ta phải chú ý đến khía cạnh chuyên môn của lễ hội. Riêng tôi không dùng chữ lễ hội mà muốn dùng chữ hội để nói về hội cổ truyền. Phần hội thì có hai hợp phần, một hợp phần quan trọng là nghi lễ và hợp phần thứ hai là trình diễn xung quanh đấng thiêng nơi đó họ tôn thờ. Chúng ta trải qua một thời kỳ lịch sử dài và chủ yếu hình ảnh này diễn ra ở miền Bắc còn miền Trung và miền Nam không có. Điều này có lý do lịch sử của nó. Cho nên, chúng ta không nên nói “lễ hội” chung chung cho toàn quốc mà nói đến một số hội có hành vi phản cảm hoặc có hành vi lỗi thời như chém lợn, treo đầu trâu, đập đầu trâu... Vấn đề này, cơ quan chức năng cần kiên quyết, có ý kiến để chấn chỉnh.
Quay trở lại nói về hội có hai hợp phần như vậy, phần nghi lễ có lúc chúng ta khôi phục hơi thái quá. Chúng ta đã phá vỡ hệ thống thờ phụng thần linh được hình thành trong lịch sử gần nhất là triều Nguyễn. Thần linh trong hệ thống đó được chia ra ba hạng: thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần. Và tương ứng là hệ thống nghi lễ đi cùng. Chúng ta đã từng loại bỏ hệ thống đó, nếu bây giờ khôi phục không cẩn thận sẽ có hiện tượng “tam sao thất bản” và lúc đấy chúng ta phải hành xử như thế nào đối với một nghi lễ chưa hoàn thiện?
Trong nghiên cứu gần đây, chúng tôi đề xuất việc giáo dục nghi lễ đối với học sinh không phải bằng cách nhồi nhét. Nhìn những hình ảnh vừa rồi, những bạn trẻ do không được giáo dục nên hành động bản năng Cho nên, trong cái chúng ta nhìn thấy hôm nay cần phải được lưu tâm.
Với những nghi lễ mang tính hiến tế như lễ hội đâm trâu, chém lợn... vốn đã có từ xưa, chúng ta cần tiếp cận, thực hành trên nguyên tắc bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, theo tôi cần bảo tồn, phát huy những nét đẹp tổng thể của lễ hội, còn những nghi thức gây phản cảm, không được xã hội hiện đại chấp nhận, thì nên loại bỏ. Nhưng loại bỏ các nghi thức này không phải bằng mệnh lệnh hành chính mà nên lấy ý kiến cộng đồng. Cộng đồng chủ thể của lễ hội sẽ lựa chọn phương án thay thế; Nhà nước, các cấp quản lý địa phương giám sát sự thay đổi hoặc gợi ra những mô hình, phương thức phù hợp.
Ngoài ra, tâm lý chụp giật, tâm lý không lao động mà được hưởng, tâm lý không đủ tài năng mà vẫn muốn thăng quan tiến chức, chúng ta nhìn thấy rất rõ trong xã hội của ngày hôm nay. Có rất nhiều lệch chuẩn mà lệch chuẩn này không chỉ riêng ở vấn đề chúng ta đang bàn mà lệch chuẩn ở rất nhiều khía cạnh, vấn đề xã hội.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, xã hội như thế nào thì các hoạt động khác cũng như vậy. Xã hội đang có những nhóm yếu thế, đang tồn tại những người không làm gì mà được hưởng sự giàu sang… tất nhiên sẽ dẫn đến hành vi xã hội sai. Hành vi đó sẽ vào lại trong sinh hoạt tôn giáo. Chuyện đó chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận. Chúng ta phải sửa hành vi cá nhân, không tham gia, không ủng hộ cho những hành vi sai phạm. Tôi đã nhìn thấy trong xã hội của chúng ta tạm chia hai nhóm. Nhóm thứ nhất là không tham gia. Và nhóm thứ hai là nhóm bất chấp công luận, bất chấp chuẩn mực của xã hội. Chúng ta đi đến kết luận là phải đấu tranh làm sao cho những hành vi lệch chuẩn xã hội, lệch chuẩn tôn giáo không còn tồn tại. Chúng ta làm bằng biện pháp giáo dục.
Tựu chung lại, để giải quyết vấn đề này cần sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng, nhà nghiên cứu, sự quản lý của Nhà nước. Các lực lượng này phải ngồi lại với nhau để đối thoại, bàn luận. Ngoài ra, không được bỏ qua vai trò của truyền thông. Với sức mạnh của truyền thông như bây giờ sẽ rất dễ gây nên hiệu ứng xã hội không tốt. Truyền thông không đúng sẽ dẫn đến hiệu ứng ngược, thay vì tuyên truyền nét đẹp của lễ hội, thì giới trẻ, những người có ý kiến tiêu cực chỉ chăm chăm tấn công vào những hành vi mà tôi cho là dựa trên niềm tin mê muội. Như thế thì lâu dần, người ta sẽ thấy lễ hội như một mớ hỗn độn và chúng ta đã tự làm hại chính mình, làm mất nét đẹp của lễ hội, mất đi bản sắc.