Tông Đản: Danh tướng phạt Tống vương triều Lý

Phùng Văn Khai 26/04/2017 09:05

Trong công cuộc phạt Tống lừng danh của Thái úy Lý Thường Kiệt nhằm bẻ gãy ý định xâm lược của nhà Tống vào Đại Việt ngay từ trong trứng nước, triều đình Đại Việt đã quyết định hành động theo chủ trương và kế sách của Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công toàn diện, phủ đầu, chớp nhoáng vào đất Tống. Mục tiêu của cuộc tấn công này là triệt hạ ba thành Ung Châu; Khâm Châu, Liêm Châu (thuộc Quảng Tây ngày nay). Đây là những điểm tập trung lương thảo, quân mã, binh khí, căn cứ chiến lược hậu cần vật chất

Hình ảnh quân dân Đại Việt chống quân xâm lược phương Bắc. (Minh họa: I.T).

Một trong những vị tướng kiệt xuất trong chiến dịch phạt Tống là Tông Đản.

Tông Đản là một trong những tù trưởng nổi tiếng, người dân tộc Nùng. Ông là danh tướng có công lớn trong chiến dịch tấn công vào Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm cuối năm 1075.

Cuối năm 1075, đại binh của triều Lý do Lý Thường Kiệt thống suất đã tiến đánh nhà Tống, tiêt diệt ba căn cứ quân sự của nhà Tống ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm. Đây là cuộc tấn công hết sức táo bạo, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến nhưng nguy hại lớn đối với vận mệnh quốc gia. Châu Ung, Châu Khâm và Châu Khiêm lại ở cách biệt nhau, cho nên vai trò độc lập tác chiến trong chiến dịch này là rất quan trọng. Lý Thường Kiệt đã tin cậy giao phó nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Châu Ung cho Tông Đản, còn đánh vào Châu Khảm và Châu Liêm thì do đích thân Lý Thường Kiệt đảm trách.

Tông Đản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin cậy, ủy thác của chủ tướng Lý Thường Kiệt và của quân dân Đại Việt lúc bấy giờ. Sử liệu về Tông Đản không ghi chép nhiều về toàn bộ sự nghiệp lớn của ông, trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 3, tờ 37) có viết: “Tông Đản vây Châu Ung hơn bốn mươi ngày đêm. Quan giữ chức tri châu của Châu Ung là Tô Giám cứ đóng cửa thành để cố thủ. Tông Đản sai quan quân xếp từng bao đất sát theo chân thành để tạo ra những bậc thang mà leo lên. Thành liền bị hạ. Tô Giám bắt ba mươi sáu người nhà của hắn chết trước nhà rồi đem xác vùi xuống hố. Xong, hắn nhảy vào lửa mà tự tử”.

Nhận được mệnh lệnh thống suất bộ binh gồm phần lớn quân các châu động biên giới phía Bắc với quân số lên tới 6 vạn bao gồm các tù trưởng thạo chinh chiến hành binh tiến đánh Ung Châu, Tông Đản đã nhanh chóng họp các tướng, hoạch định kế sách tiến công. Với tài năng và uy tín của ông, đội quân bộ đã chủ động tác chiến ngay từ những ngày đầu tiên tiến chiến trại Cổ Vạn - một tiền đồn của thành Ung Châu. Trại Cổ Vạn bị hạ ngay trong ngày 27 tháng 10 năm 1075. Đây cũng là đòn thử khả năng tác chiến của quân binh Tống để Tông Đản bày trận nhử địch ra khỏi thành Ung Châu.

Quả đúng như vậy, các tướng lĩnh Tống trong thành Ung Châu do không nhận diện được hết tình hình đã mắc mưu Tông Đản, điều quân từ trong thành tăng cường xuống các trạm đồn trú nơi biên giới. Điều này vừa làm suy yếu thực lực phòng thủ thành Ung Châu vừa là sự khinh suất của các tướng Tống.

Thấy rõ thời cơ đó, Tông Đản cùng các tướng lĩnh mệnh lệnh cho các đạo quân bộ binh đồng loạt tiến công chớp nhoáng trên toàn tuyến biên giới. Các trại Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Thái Bình, Tây Bình của nhà Tống đều nhanh chóng bị đánh chiếm. Quân Tống bị thiệt hại rất nặng nề. Các trại đồn trú đồng thời là những tấm lá chắn cho thành Ung Châu bị xé toang. Tông Đản hạ mệnh lệnh cho các đội quân tiến thẳng về thành Ung Châu. Kế sách điều chủ lực của địch ra khỏi thành trì để tiêu diệt là một cao kế của Tông Đản. Thực hiện thắng lợi sách lược này giúp cho đại quân của Lý Thường Kiệt vừa có thời gian hành binh, vừa được bộ binh của Tông Đản nghi binh, đánh lạc hướng. Đây là một trong những điểm sáng chói của danh tướng Tông Đản.

Thành Ung Châu - một căn cứ quân sự vững chắc của nhà Tống không thể ngờ có ngày lại nằm trong vòng thòng lọng của binh tướng Đại Việt.

Trong khi các tướng Tống vừa lo sợ vừa chăm chú phòng bị đối phó với cánh quân của Tông Đản, giữa tháng 11 năm 1075, Lý Thường Kiệt bất ngờ xuất kích từ châu Vĩnh An, sử dụng binh thuyền vượt biển đổ bộ lên cảng Khâm. Ngày 20 tháng 11 năm 1075, đại binh Đại Việt ồ ạt đánh vào thành Khâm Châu như vào chỗ không người và lập tức bắt sống quan giữ thành Trần Vĩnh Thái cùng toàn bộ thuộc hạ. Quân tướng Đại Việt như thiên binh thiên tướng nhà trời oai phong lẫm liệt bắt giết binh tướng Tống làm tù binh vô số kể. Còn chưa hết bàng hoàng, ba ngày sau, thành Liêm Châu cũng bị đại quân Đại Việt triệt hạ như vào chỗ không người. Tướng giữ thành là Lỗ Thánh Tôn cùng thuộc hạ đều bị giết chết. Lý Thường Kiệt cho bắt gần một vạn tù binh thành Liêm Châu làm phu khuân vác gom tất cả binh khí, quân lương xuống thuyền Đại Việt. Quân Đại Việt chiếm trọn Khâm Châu, Liêm Châu.

Nhận thức được việc hành binh trong đất địch là việc hiểm, phải luôn chớp thời cơ để toàn thắng trở về, ngay sau khi đánh tan tác quân Tống ở Khâm Châu, Liêm Châu, Lý Thường Kiệt mệnh lệnh quân Đại Việt vượt dãy Thập Vạn Đại Sơn tiến đánh thành Ung Châu từ phía Đông Nam.

Thành Ung Châu, nơi tập trung quân lương, binh khí, nhân tài vật lực của cải nước Tống chuẩn bị đánh Đại Việt đang bị đại quân Đại Việt siết chặt trùng vây. Tô Giám, một tướng tài lão luyện của nhà Tống thủ thành lập tức cho phân phát của cải trong thành, khích lệ cố thủ của binh tướng toàn thành. Cuộc chiến thành Ung Châu đã diễn ra rất ác liệt. Quân Đại Việt đã dùng nhiều biện pháp hạ thành. Lý Thường Kiệt, Tông Đản cho quân đào hầm xuyên qua tường thành đột nhập vào trong. Tô Giám cho phóng hỏa đốt hầm khiến quân Đại Việt thương vong không ít. Thấy rõ nguồn nước trong thành Ung Châu cạn kiệt, quân Đại Việt dùng hỏa công, bắn các loại chất gây cháy và hỏa tiễn vào thành gây thương vong lớn cho quân Tống. Thành Ung Châu bị cháy khắp nơi, binh tướng Tống không đủ nước để dập lửa chịu chết cháy vô số kể.

Xác định cuộc chiến không thể kéo dài, thành Ung Châu phải bị hạ càng nhanh càng tốt mới có thể toàn quân rút về Đại Việt, Lý Thường Kiệt, Tông Đản đã dùng kế thổ công. Ông sai quân xúc đất đổ vào bao đến hàng vạn bao đất khiêng xếp vào chân thành tạo bậc thềm thành một con đường đất cao thẳng tới mặt thành. Quân Đại Việt ào ào tiến vào như nước vỡ bờ. Tô Giám giết sạch người nhà rồi tự thiêu chết. Thành Ung Châu bị hạ gây chấn động Tống triều.

Trong chiến dịch triệt hạ thành Ung Châu, các đạo quân của các tù trưởng do Tông Đản chỉ huy đã chiến đấu vô cùng anh dũng và góp lên sức mạnh quyết định của chiến thắng. Các tướng Tống nghe danh Tông Đản đều bạt vía kinh hồn. Vốn thông thạo địa hình rừng núi cùng nhiều năm chiến đấu với quan binh nhà Tống nơi biên giới, Tông Đản nắm chắc mọi sở trường sở đoản của binh tướng Tống, hành quân thần tốc, phá tan các tiền đồn, tạo thời cơ cho quân chủ lực của Lý Thường Kiệt vượt biển tiến đánh Châu Khâm, Châu Liêm, mau chóng vượt Thập Vạn Đại Sơn hợp vây triệt phá thành Ung Châu khi quân triều đình Tống còn chưa kịp trở tay. Đây là bước thắng lợi mang tính quyết định để đại quân Đại Việt sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược là phá tan các căn cứ hậu cần, bàn đạp chiến tranh của Tống triều nhằm vào Đại Việt. Đoàn quân chiến thắng đã lập tức toàn quân rút về Đại Việt theo phương hướng đã được vạch ra từ trước.

Tiếp những năm sau đó, chính các tù trưởng Đại Việt, khi đương đầu với đại quân Tống tràn sang xâm lược đã chiến đấu vô cùng quả cảm, là những mũi vu hồi sau lưng địch rất lợi hại khiến chúng mất ăn mất ngủ, suy yếu và dẫn đến thảm họa bị diệt vong.

Cuộc đời chiến đấu oanh liệt gắn với những chiến công của Tông Đản - một tù trưởng yêu nước, một danh tướng người dân tộc có công trong triều Lý đã cho thấy chính sách đại đoàn kết dân tộc, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước của con dân Đại Việt thời nào cũng luôn tỏa sáng, nhất là mỗi khi đứng trước họa xâm lăng.

Tông Đản - vị tướng lừng danh trong công cuộc phạt Tống được đặt tên đường tại thành phố Hà Nội và một số nơi khác như một minh chứng thể hiện sự ghi nhận công tích của bậc tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Phùng Văn Khai