Băn khoăn dự định bỏ biên chế giáo viên

Lam Nhi 24/05/2017 07:30

Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức, thay vào đó sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, có chế độ đãi ngộ tốt, nhiều ý kiến của người trong cuộc và cả những người quan tâm đến giáo dục lo ngại sẽ xảy ra nhiều tiêu cực khi việc tuyển ai, bỏ ai phụ thuộc chủ yếu vào hiệu trưởng.

Ảnh minh họa.

Dành chỗ cho những người giỏi

Lý giải của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc xóa bỏ công chức, viên chức trong nhà trường phổ thông là để hướng tới việc để rỗng chỗ cho những người giỏi vào ngành. Những ưu điểm của việc này dễ dàng nhận ra như giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống giáo dục, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh về chất lượng giữa không chỉ các giáo viên mà còn là các trường với nhau để thu hút người tài…

“Việc thực hiện hợp đồng lao động sẽ tạo ra sự cạnh tranh để những giáo viên giỏi có thể tham gia giảng dạy ở các trường khác nhau. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Không phân biệt trường công trường tư mà chỉ lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chuẩn”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Cụ thể, nếu cho các trường phổ thông được tự chủ thì họ sẽ được quyền chủ động tuyển người, chủ động đánh giá cán bộ và cứ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể cho nghỉ. Từ trước đến nay, chịu trách nhiệm tuyển dụng giáo viên thường là UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm, tuyển theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường ký hợp đồng, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.

Trong khi chính các trường là đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào thì lại không được chủ động tuyển dụng giáo viên. Điển hình nhất là việc ngành giáo dục đang dôi dư gần 27.000 giáo viên các cấp nhưng cũng đồng thời thiếu hơn 45.000 giáo viên. Nếu để nhà trường trực tiếp tuyển dụng theo nhu cầu sử dụng sẽ hạn chế được tình trạng này xảy ra.

Ai vào, ai ra?

Đối với đề xuất các trường được tự chủ giáo viên, lo ngại lớn nhất đặt ra đó là liệu có xảy ra tiêu cực khi hiệu trưởng được giao quyền tuyển dụng nhân sự bằng cơ chế hơp đồng. Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn cho rằng, không cần chờ đến khi được giao quyền mà hiện nay, ở nhiều trường, hiệu trưởng là người quyết định mọi sự, không ai được phản đối, phản biện bất cứ quyết định nào của hiệu trưởng. Ai “dám” có ý kiến trái chiều sẽ bị “đì”, bị đưa vào danh sách để cuối năm bình xét thi đua, xếp loại…

“Nếu xóa bỏ biên chế, những người không được lòng hiệu trưởng sẽ luôn luôn trong trong tâm trạng thấp thỏm lo lắng không biết lúc nào sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Ngay cả khi đó là giáo viên có chuyên môn, năng lực sư phạm tốt thì cũng có rất nhiều cách để khiến họ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm điều này điều kia…

Vậy thay vì tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, việc đầu tiên của giáo viên phải là lấy lòng người đứng đầu hoặc ít nhất cũng tránh để xảy ra va chạm”- vị chuyên gia này nhận định.

Một băn khoăn khác được GS Ngô Bảo Châu chỉ ra, đó là lĩnh vực giáo dục có những đặc thù riêng. Với việc đổi mới chương trình học, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, những giáo viên phổ thông đã 40 - 45 tuổi nếu không đáp ứng được nhu cầu có thể bị ngừng hợp đồng làm việc – theo logic, việc này hoàn toàn có thể làm được.

Nhưng ai cũng hiểu, ở lứa tuổi này tìm một công việc khác không dễ dàng. Nếu bị chấm dứt hợp đồng lao động, những thầy cô giáo này sẽ đi đâu về đâu? Vì vậy, quan điểm của GS Châu là Bộ GD&ĐT cần phải hết sức thận trọng khi thực hiện việc này.

Chia sẻ quan điểm này, bà Trần Thị Bích Hợp - Hiệu phó Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, đối với các giáo viên đã có nhiều năm công tác hay đứng lớp, nếu xóa bỏ biên chế cần phải có lộ trình để sắp xếp bố trí, để giáo viên có thời gian tự bồi dưỡng. Đặc biệt, nếu họ vẫn mong muốn tiếp tục được giảng dạy chương trình mới thì vẫn phải có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ chứ không thể chỉ vin vào lý do không đạt chuẩn mà chấm dứt hợp đồng lao động.

Ở một khía cạnh khác, TS Vũ Thu Hương - giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu nhìn vào chất lượng cuộc sống của giáo viên các trường công lập hiện nay có lẽ chính là sự “an toàn” khi được đóng bảo hiểm, tính thâm niên công tác níu giữ chân các thầy cô ở lại trường công lập thay vì đầu quân vào một môi trường khác có mức thu nhập xứng đáng hơn. Nếu bây giờ bỏ biên chế, tâm lý mất an toàn, bấp bênh trong khi đồng lương cũng bấp bênh với các giáo viên trẻ thì ai sẽ đầu quân vào sư phạm nữa? Trong khi đây là ngành chịu rất nhiều tầng áp lực.

“Vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay không phải là lương hay biên chế mà chính là môi trường làm việc của giáo viên cần được cải thiện. Đối với vấn đề bỏ biên chế giáo viên chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các cơ sở giáo dục công lập đều chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Bởi chỉ có tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì người hiệu trưởng mới có thể thực hiện việc tuyển dụng giáo viên một cách khách quan, công bằng”- TS Hương bày tỏ.

Cần có lộ trình

Theo ông Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, quan điểm “viên chức suốt đời”, trở thành công chức, viên chức là an tâm, không cần phấn đấu, không cần tu dưỡng, trau dồi nâng cao năng lực phẩm chất là một căn bệnh được báo chí nhắc đến nhiều ở những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Trong lĩnh vực giáo dục cũng có một bộ phận những thầy cô như thế nhưng không nhiều.

“Tôi rất đồng tình với đề xuất này và tin rằng đây sẽ là một cú hích trong quá trình đổi mới giáo dục. Song song với đó là vấn đề thu nhập có được cải thiện không. Lâu nay, câu chuyện giáo viên không sống được bằng lương đã nói quá nhiều mà chưa thay đổi được”- ông Nhĩ bày tỏ.

Cũng liên quan đến câu chuyện lương bổng, một chuyên gia giáo dục bày tỏ băn khoăn, để thu hút người tài vào ngành giáo dục với lời hứa đãi ngộ xứng đáng như Bộ trưởng đã nêu, hiệu trưởng sẽ cân đối thế nào nếu những thạc sĩ, tiến sĩ vừa mới được tuyển dụng lại có mức lương cao hơn người có thâm niên giảng dạy 20, 30 năm? Có thể xảy ra tình trạng người thuộc cấp quản lý ăn lương biên chế ba cọc ba đồng nhưng những giáo viên hợp đồng được trả đến mức lương 10, 20 triệu một tháng?

Hiện nay, trong Luật Giáo dục chưa đưa ra vấn đề bỏ công chức viên chức khác trong giáo viên, nếu Bộ GD&ĐT thực hiện ngay việc này sẽ gây ra những ý kiến tranh luận, thậm chí không đồng tình. Bản thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định từ chủ trương đến thực tiễn phải có một lộ trình rất dài. Không có chuyện sau 2 - 3 tháng nữa sẽ đưa ngay ra một cái chủ trương “bây giờ tất cả đều là giáo viên hợp đồng”.

Trước mắt, Bộ sẽ nghiên cứu từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa, những nơi nào có điều kiện thì thí điểm, chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra.

“Thị trường lao động đúng nghĩa là giáo viên trường công cũng như trường tư. Khi đã từng bước hòa nhập thì các trường phổ thông công hay tư cũng đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm tiêu chuẩn”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Lam Nhi