Người lập làng sinh thái chiến tranh

Ngọc Minh 24/05/2017 09:05

Cách TP Đồng Hới (Quảng Bình) 7km theo đường Hồ Chí Minh có một ngôi làng đặc biệt được gắn biển tên “Làng sinh thái chiến tranh”.

Một góc ngôi làng sinh thái chiến tranh.

Sau tấm biển có một hố bom lớn. Xung quanh hố bom, ngổn ngang 8 chiếc vỏ bom tấn của giặc Mỹ được dựng gần nhau. Giữa một bãi đất rộng, một cây thông thẳng vươn cao, trên gắn lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong gió. Dưới chân cột là tấm bia ca ngợi chiến công của người dân Quảng Bình và các mốc lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Đó là những nét chấm phá đầu tiên của một bảo tàng lịch sử chiến tranh, do ông Nguyễn Xuân Liên gây dựng.

Ông Nguyễn Xuân Liên sinh năm 1942, là dân Hà Nội gốc. 19 tuổi ông vào tuyến lửa Quảng Bình phục vụ trong ngành y tế trong suốt từ năm 1961 đến 1970 tại chiến tuyến bom đạn ác liệt nhất. Ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về, trong suốt 30 năm công tác ở Viện châm cứu ở Hà Nội, không lúc nào ông nguôi nhớ những người dân Quảng Bình đã bao bọc mình. Năm 1992, ông khoác ba lô trở lại thăm chiến trường xưa.

Sau chuyến đi ấy trở về Hà Nội, ông Liên nảy ra ý tưởng xây dựng một bảo tàng thu nhỏ một thời máu lửa chiến tranh. Năm 2003, nhận sổ hưu, ông bán nhà vào Quảng Bình chọn mua một mảnh đồi rừng rộng 10ha thuộc khu Vực Quành, xã Nghĩa Ninh, vùng đất phía tây cuối cùng của TP Đồng Hới.

Rồi từng ngày, từng ngày, bảo tàng chiến tranh mang tên Vực Quành của ông Liên cứ thế dần hình thành. Một chiếc cầu phao dã chiến được ghép bởi những chiếc thùng phuy vượt suối Ba Đa, một nhà tưởng niệm bằng gỗ giản dị, trang trọng, bên trên có tấm bia đá khắc dòng chữ: “Đời đời tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh trên đường cứu nước”, có tấm bia đá rất lớn khắc tên tuổi, địa chỉ các liệt sĩ trên khắp đất nước đã ngã xuống ở mảnh đất Quảng Bình và một tập tài liệu đóng bằng giấy khổ A4 ghi thông tin hàng vạn liệt sĩ đặt trang trọng trong tủ kính. Tập tài liệu có tên: “Mộ chí liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ”.

Để tập hợp được số lượng địa chỉ này, ông Liên đã phải tìm đến các nghĩa trang trong khắp cả nước để ghi chép với hy vọng sau này giúp khách tham quan có thể tìm được phần mộ liệt sĩ là thân nhân của mình.

Trong ngôi làng dã chiến ấy, có một bàn thờ và tấm bia đá khắc tên những bác sĩ, y tá liệt sĩ. Những bao gạo tượng trưng được chất đầy kho gợi nhớ một thời người dân Quảng Bình đóng góp nuôi bộ đội, dù quanh năm họ phải ăn độn ngô, khoai, sắn.

Nơi đây còn có những lớp học dã chiến với đầy đủ bàn ghế, bảng viết. Vẳng nghe như đâu đây vọng lại tiếng học sinh bi bô đọc bài mặc cho trên đầu là mưa bom bão đạn. Ở góc lớp có tấm bia khắc tên những thầy giáo, cô giáo đã ngã xuống vì nền giáo dục nước nhà. Một nhà trẻ với những chiếc nôi bện bằng nứa, có căn hầm bí mật đủ rộng cho cả đơn vị họp bàn lên phương án tác chiến.

“Bảo tàng chiến tranh” của ông Liên hoàn toàn miễn phí khách tham quan. Đã có biết bao lượt người qua đây, được tận mắt tiếp cận những trang sử sống động về một thời cha, ông chúng ta đã sống và chiến đấu oanh liệt, hào hùng trong công cuộc chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Ông Liên đã bỏ ra 4,5 tỷ đồng cho công trình này. Nhưng thật đáng tiếc bảo tàng đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất nếu không được sự chung tay trợ giúp của các cấp, các ngành cũng như chính quyền địa phương.

Ngọc Minh