Dự thảo Luật quy hoạch: Tích hợp đa ngành, phát huy hiệu quả
Cần phải đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng quy hoạch tích hợp đa ngành, phát huy hiệu quả…
Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với một số
cơ quan báo chí về dự thảo Luật quy hoạch tại Hà Nội sáng 24/5.
Chia sẻ với báo chí sáng nay (24/5) về dự thảo Luật Quy hoạch chuẩn bị trình Quốc hội, ông Vũ Quang Các – Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật quy hoạch là luật khó, mang tính tổng hợp, đa ngành nên trong quá trình xây dựng, ban soạn thảo rất coi trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nhiều ngành.
Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau thì ban soạn thảo Luật Quy hoạch đã chuẩn bị khá tốt để giải trình trước Quốc hội, ông Các cho hay.
Theo Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch, trước đây công tác quy hoạch thường nặng về xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu mà ít quan tâm đến không gian phát triển. Phương pháp lập quy hoạch chưa đổi mới nên chưa đáp ứng được nhu cầu, không phù hợp với thực tiễn, gây chồng chéo…
Ông Vũ Quang Các nhấn mạnh, hầu hết các quốc gia hiện nay đã đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng quy hoạch tích hợp đa ngành là chủ yếu. Sự tích hợp đa ngành này nhằm giải quyết xung đột ngày càng lớn về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia.
Tất cả các nước đều có 2 loại quy hoạch là quy hoạch không gian lãnh thổ và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, ông Các nói.
Trong khi đó, phương pháp và nội dung lập quy hoạch của Việt Nam hiện nay vẫn được thực hiện theo phương pháp cũ, các quy hoạch được lập riêng rẽ (quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực… được lập ra một cách độc lập) nên chưa phát huy được hiệu quả của quy hoạch tổng thể, ông Các nêu thực tế.
Do đó, giải pháp được đưa ra trong bản dự thảo mới lần này là khung pháp luật và thể chế về quy hoạch cần được xây dựng thống nhất, có hệ thống, nhất quán, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp nhằm tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của người dân, cộng đồng đối với quá trình thực thi quy hoạch.
Quan điểm của cơ quan soạn thảo Luật quy hoạch là, quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo hướng đa ngành trên cơ sở tích hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng tài nguyên. Phạm vi và nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia phải xác định những định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia và liên vùng.
Ông Vũ Quang Các nhấn mạnh, cần tạo được sự đồng thuận để các bộ, ngành, địa phương hiểu được luật này. “Đây là luật đầu tiên mà ban soạn thảo xuống đến tận 12 bộ, ngành để làm việc và lấy ý kiến,” ông Các cho hay.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 là 13.767 quy hoạch. Chỉ riêng kinh phí cho việc làm quy hoạch giai đoạn này đã lên tới gần 8.000 tỉ đồng. Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi. Từ các sản phẩm nông sản như tôm, cá, mía đường, bò sữa đến các sản phẩm công nghiệp như thép, cơ khí… đâu đâu cũng có quy hoạch. |