Thảo luận về Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự: Chưa ngã ngũ
Ngày 24/5, Quốc hội dành thời gian cả ngày thảo luận về Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Dẫu bước sang kỳ họp thứ ba, song nhiều vấn đề lớn của Bộ luật vẫn còn nhiều điều chưa ngã ngũ, trong đó có phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Tuổi từ đủ 14 đến 16 tuổi phạm tội là cá biệt, nhưng lại gây bất an cho số đông, tạo cho mọi người cảm giác lo âu sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ số đông; xử nghiêm để đảm bảo răn đe.
Có nên mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi?
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin ý kiến Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Còn phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 thực chất các em vẫn ở trong độ tuổi học sinh lớp 8,9 do đó những thay đổi trong chính sách hình sự theo hướng xử lý nghiêm như BLHS 2015 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các em. Quốc hội chỉ nên thay đổi được điều này nếu đưa ra được những căn cứ xác đáng.
Dẫn chứng số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 3 năm 2014-2016 cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về tội cố ý gây thương tích, tức chia chung bình mỗi năm, mỗi địa phương chỉ có 1 em phạm tội gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Cũng trong 3 năm chỉ có 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm và 2 em bị truy tố về tội bắt cóc, bà Thủy cho rằng cần phải cân nhắc hơn.
ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng này là rất nặng bởi trong giai đoạn này, các em còn bất ổn về tâm sinh lý, thiếu hiểu biết về pháp luật, xã hội dẫn đến hành vi lệch chuẩn.
“Việc quy định như trên cũng cho thấy không có sự phân hóa về trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội, đồng thời chưa phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Xử lý người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng, điều đó không có nghĩa là chúng ta cưng chiều, mà phải bắt đầu bằng trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội”- bà Thủy cho hay.
Tuy nhiên, nhiều ĐB lại bày tỏ quan điểm không đồng tình với quan điểm trên. Chỉ ra thời gian qua, bạo lực học đường, hiếp dâm ở người chưa thành niên có xu hướng gia tăng, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhấn mạnh: Để luật vừa nghiêm minh, vừa giáo dục thì người đủ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm cả tội ít nghiêm trọng.
ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận Bộ luật Hình sự sửa đổi ngày 24/5. Ảnh: Quốc Anh.
“Người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh vì thực tế thời gian qua tình trạng cố ý gây thương tích, bạo lực học đường, hiếp dâm, bắt cóc gia tăng mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị hại. Cho nên pháp luật phải nghiêm tránh tái phạm. Thực tế giáo dục tại cộng đồng kết quả không cao, thậm chí sau cải tạo còn tái phạm, lần sau vi phạm tinh vi hơn nhiều, đồng thời đây là vấn đề cử tri rất bức xúc nhiều. Qua thăm dò ý kiến của ĐBQH bằng phiếu cho thấy có 266/397 tán thành, tức là hơn 67% đề nghị phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 3 loại tội danh nêu trên. Do đó chúng ta phải tôn trọng ý kiến của ĐBQH”- bà Phúc nói.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói: “Tuổi từ đủ 14 đến 16 tuổi phạm tội là cá biệt, nhưng lại gây bất an cho số đông, tạo cho mọi người cảm giác lo âu sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ số đông. Tội phạm trẻ hóa, tệ nạn hiếp dâm ngày càng gia tăng nghiêm trọng gây bất an trong xã hội cần xử nghiêm để đảm bảo răn đe, chưa kể tuổi này còn bị đối tượng xấu kích động dẫn đến phạm tội.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng đồng tình quan điểm trên và cho rằng, nếu không tội phạm chưa thành niên sẽ gia tăng hơn.
Khung hình phạt hành vi kinh doanh đa cấp trái phép chưa tương xứng
Điểm mới được đưa vào BLHS sửa đổi lần này chính là đề nghị bổ sung một điều luật mới về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một điều luật mới về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua; đồng thời bày tỏ quan điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nhất trí với việc bổ sung loại tội này, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) dẫn chứng một số vụ vừa qua như vụ Công ty cổ phần thương mại Cộng đồng Việt lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của gần 3.000 người hay vụ Công ty liên kết Việt lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng của 45.000 người.
“Hành vi phổ biến mà tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, đầu tư tài chính”-bà Thủy nói.
Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, cần cân nhắc việc bổ sung tội danh này vào BLHS. Lý do đây là loại tội mới chưa được báo cáo đánh giá đầy đủ về sự cần thiết, mức độ tác động của loại tội phạm này trong BLHS. Rồi ông đưa ra phân tích:Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu ý kiến một số vụ việc kinh doanh đa cấp trái phép gây thiệt hại lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Nhưng nguyên nhân do đâu? việc xử lý thế nào lại chưa được giải trình rõ ràng.
Từ lập luận trên ông Xuyền cho rằng, thiết kế của điều luật như trong Dự thảo chưa chắc đã xử lý hình sự được các vụ việc tương tự về đa cấp xảy ra như trong thời gian vừa qua, bởi các doanh nghiệp đều được cấp phép đăng ký kinh doanh đầy đủ. Việc thiết kế khung hình phạt của tội phạm này cao nhất là 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
”Nếu không làm thận trọng, có khi việc bổ sung tội mới này lại là nơi để đối tượng phạm tội “trú ngụ, ẩn náu”, tránh bị xử lý về tội lừa đảo hay sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản do có khung hình phạt nhẹ hơn”- ông Xuyền cảnh báo.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng).
Nói như lời ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thì: “Quy định như trong Bộ luật là chưa rõ nét về cấu thành cơ bản để phân biệt tội này với tội lừa đảo. Cho nên cần làm rõ hơn dấu hiệu cơ bản để xác định tội danh, và xử lý cho thuận lợi. Hình phạt tội này trong luật có hình phạt quá nhẹ, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm vì hành vi lừa đảo, và hành vi lừa đảo thông qua bán hàng đa cấp thì mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều so với lừa đảo thông thường”.