Bức tử kênh rạch vô tội vạ

Đoàn Xá 25/05/2017 08:00

Tình trạng san lấp, lấn chiếm, đổ rác thải, phế liệu… lên phần mặt nước, ven hệ thống kênh rạch ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này ngày càng bùng phát và nguy cơ mất kiểm soát vì nhiều nguyên nhân.

Hàng trăm căn nhà lấn chiếm trên mặt kênh ở quận 8.

Khắp nơi lấn chiếm

Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.900 tuyến kênh rạch các loại và đan xen nhau. Ngoài giao thông đường thủy, những kênh rạch này còn điều tiết nước thải, ô nhiễm môi trường cũng như mang lại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống cho người dân. Thế nhưng, hiện rất khó để tìm được những kênh rạch trong xanh bình thường ở thành phố vì tất cả đã bị lấn chiếm theo nhiều cách khác nhau.

Điển hình như rạch Xuyên Tâm nối liền kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (quận Bình Thạnh) với sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp dài 8,2 km đang bị ô nhiễm, lấn chiếm và là nơi đổ rác thải của hàng ngàn hộ dân. Đây là tuyến rạch lớn, có nhiệm vụ điều phối nước quan trọng ở nhiều quận huyện phía Đông khi có mưa lớn nhưng đã tắc nghẽn nhiều năm.

Đáng chú ý, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được đưa ra hơn chục năm nhưng vẫn chưa thực hiện được, phương án cải tạo vẫn đang nằm trên…giấy vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, không chỉ có rạch Xuyên Tâm mà nhiều con rạch xung quanh nó như rạch Phan Văn Hân (Bình Thạnh), rạch Hy Vọng, sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp)… đều ít nhiều bị san lấp, lấn chiếm.

Đáng kể nhất vẫn là các tuyến kênh rạch ở quận Thủ Đức như rạch Môn, rạch Dừa, rạch Gò Dưa… đều bị bóp nghẹt, biến dạng. Ngoài ra, nhiều tuyến kênh rạch đã được bê-tông hóa một cách hợp pháp cũng khiến tình trạng kênh rạch ở thành phố hiện nay không còn nguyên dạng.

Hậu quả khôn lường

Theo TS Lê Huy Bá, một chuyên gia về kiến trúc đô thị thì, xã hội thường phải trả giá rất đắt cho tình trạng lấp kênh, sông rạch, nhất là ở những khu vực đô thị đông dân. Điển hình như dự án cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè với số vốn hàng tỷ đô la nhưng hiệu quả thực sự vẫn chưa được như mong muốn, tình trạng ô nhiễm vẫn còn xuất hiện.

Hay gần đây nữa, dự án cải tạo tuyến kênh Hàng Bàng (quận 6) mà ít năm trước đã lấp đi. Chỉ với chiều dài chừng hơn 600 mét nhưng dự án này có số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng vì việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái tạo mặt nước là rất lớn. Do ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc tiêu thoát nước trên tuyến kênh này nên thành phố đã quyết định thực hiện dự án, đào lại để trả tuyến kênh này như cũ.

Ngoài ra, dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát đi qua địa bàn quận 12, Tân Phú, Gò Vấp nhiều năm qua vẫn chưa hoàn thành dù số vốn cũng lên đến gần chục ngàn tỷ đồng.

Đặc biệt, là một trong những dự án lớn của thành phố, dự án di dời, cải tạo mặt nước ở các tuyến kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ… tại khu vực quận 7, quận 8,… nhiều năm qua cũng khiến các cấp chính quyền đau đầu vì chậm trễ giải tỏa và khó khăn về nguồn vốn.

Hàng chục ngàn tỷ đồng được chấp thuận nhưng dự án vẫn chậm tiến độ, không triển khai vì hàng ngàn hộ dân lấn chiếm kênh rạch, xây nhà tạm ven sông sinh sống. Sau rất nhiều nỗ lực, hiện nay công tác di dời vẫn chưa hoàn thành và tất nhiên, việc cải tạo và đem trả lại hiện trạng dòng kênh trong lành vẫn còn rất xa vời.

Có thể nói, với nhiều hậu quả nhãn tiền như ô nhiễm, ngập úng hiện nay, việc san lấp kênh rạch đang là nỗi lo lớn của chính quyền, người dân thành phố. Cùng với đó, hậu quả còn nặng nề gấp bội khi những dự án cải tạo lại tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và công sức chỉ vì ý thức của người dân xung quanh.

Đoàn Xá