Nhiều hệ lụy tại mỏ sắt Thạch Khê
“Khai thác mỏ sắt Thạch Khê cần gắn với phát triển môi trường bền vững”, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chỉ đạo như vậy trong chuyến thị sát tiến độ thực hiện dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê diễn ra sáng 24/5. Bên cạnh đó, trong chuyến khảo sát này, chính quyền địa phương còn phản ánh rằng vùng ảnh hưởng của dự án quặng sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á này vẫn còn nhiều hệ lụy chưa được chủ đầu tư khắc phục.
Đoàn kiểm tra tỉnh Hà Tĩnh tại mỏ sắt Thạch Khê.
Sau khi kiểm tra thực địa tại dự án và thăm hỏi bà con nhân dân vùng ảnh hưởng, đoàn giám sát đã làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) cho biết: Từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016, TIC đã thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, tái cơ cấu cổ đông và huy động vốn cho dự án. Công ty đã hoàn thành các thủ tục pháp lý về điều chỉnh dự án, trình thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập đề án cải tạo phục hồi môi trường và đề án xả thải trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
Bên cạnh đó, TIC lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình. TIC phối hợp với BQL khu vực mỏ sắt và Hội đồng bồi thường huyện Thạch Hà giải quyết các tồn đọng, điều chỉnh lộ trình GPMB - TĐC phù hợp với dự án điều chỉnh…
Theo đó, TIC đã giải ngân cho công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư hơn 380 tỷ đồng và 46,732 tỷ đồng/697 tỷ đồng về Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội các xã chịu ảnh hưởng bởi dự án.
“Công ty cam kết sẽ tập trung huy động vốn đảm bảo triển khai dự án theo đúng tiến độ. TIC sẽ hoàn thiện bổ sung các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành, phối hợp giải quyết các tồn đọng và thực hiện GPMB-TĐC theo đúng lộ trình. Chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện để tiến hành đầu tư xây dựng mỏ”- ông Hưng nói.
Ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết, đến nay địa phương đã hoàn thành lập phương án bồi thường hơn 821 ha, trong đó có 733 ha mỏ và bãi thải, 88,77 ha thuộc khu vực xây dựng hạ tầng tại các xã chịu ảnh hưởng. Trong đó, huyện tập trung xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, an sinh xã hội với tổng nguồn vốn hơn 597 tỷ đồng gắn với xây dựng nông thôn mới có tổng số tiền đầu tư trực tiếp từ chương trình là 36,8 tỷ đồng.
Song, đại diện các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp từ dự án như Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn... cho rằng: Do dự án triển khai chậm, đứt quãng kéo dài trong nhiều năm dẫn đến nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, sản xuất của người dân 6 xã vùng ảnh hưởng và các xã lân cận. Hiện nay điều bức thiết nhất tại các xã ảnh hưởng của dự án là cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhà ở của dân bị xuống cấp nhưng không được tu sửa. Nhiều vùng nằm trong kế hoạch GPMB nhưng chưa được bồi thường và di dời. Ngoài ra, nhu cầu cấp đất tách hộ cho 250 hộ dân xã Thạch Hải, Thạch Bàn vẫn chưa có phương án TĐC hoặc đang dang dở. Hệ thống thủy lợi và nước sạch sinh hoạt phục vụ nhân dân thiếu trầm trọng…
Ông Trần Việt Hà thẳng thắn: “Đề nghị UBND tỉnh có kiến nghị với Bộ, ngành đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả, bền vững và các tác động tiêu cực về mặt xã hội, môi trường của dự án trước khi triển khai”.
Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu TIC, Sở TN&MT, Sở Công thương giải trình các vấn đề liên quan đến lộ trình khai thác, công nghệ, thị trường tiêu thụ; vấn đề về vốn, những hệ lụy kèm theo đối với vùng dự án…
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đề nghị: “UBND tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp thu và trả lời bằng văn bản cho Thường trực HĐND tỉnh về những bất cập còn tồn tại của TIC, trong đó cần đề ra phương án cụ thể trong việc giám sát việc thực hiện dự án”.