Định vị lại thị trường nông nghiệp

H.Hương 25/05/2017 06:58

Sáng ngày 24/5 Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức Hội thảo Triển vọng nông nghiệp với chủ đề “Định vị lại nền nông nghiệp trên thị trường nông nghiệp toàn cầu”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói, lâu nay, chỉ có nông dân và nhà nước lọ mọ với nông nghiệp, tình trạng “giải cứu” liên tục xảy ra. Thế nhưng, hiện nhiều DN đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, đây chính là lực lượng “giải cứu” nông sản. Do đó, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ doanh nghiệp – nông dân”.

Trước đây, một số liệu từng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra, cả nước có 1% tổng số DN đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm chỉ khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian gần đây, với nhiều chính sách và kêu gọi, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là dấu hiệu tốt cho nền nông nghiệp nước nhà.

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt. Mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật lên rất nhanh. Nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách cần nhất là đưa ra những thông tin chuẩn xác để khơi thông và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Tuấn cho rằng, trong khi thị trường biến động, cần bình tĩnh phân tích thấu đáo. Bởi đôi khi giá nông sản sẽ tiềm ẩn bùng lên trong tương lai. Và khi thị trường bùng lên, cần nghĩ tới cách làm mới chứ không nên chạy theo kiểu cũ. Dài hạn hơn, cần định vị thị trường nông sản Việt Nam trong thị trường lương thực thực phẩm toàn cầu để phát triển bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân.

Theo dự báo của Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn nhất định. Xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe.

Bên cạnh đó còn chịu áp lực về cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản, giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Trong khi đó tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Về dự báo thị trường nông sản quốc tế, TS. Sergio René Arauho- Enciso – Chuyên gia Ban Thương mại và Thị trường FAO Rome nói, có một số xu hướng chủ đạo của 2017 và các năm tới.

Trong đó đáng lưu ý nhất là tiêu dùng nông sản toàn cầu tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn…

Theo quan điểm của giới chuyên gia, ngành nông nghiệp của chúng ta cần xác định lại động lực đi lên. Để tăng vị thế từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu thì phải chú ý đến năng suất, chất lượng và xác định cơ cấu thị trường.

H.Hương