Khát nhân lực công nghiệp hỗ trợ
Mặc dù tích cực đưa ra nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, theo phản ảnh của cộng đồng DN thuộc ngành này họ vẫn đang gặp khó. Và trong những cái khó ấy phải kể đến là vấn đề tuyển dụng nhân lực.
Phần lớn các DN ngành công nghiệp hỗ trợ đang thiếu nhân lực tay nghề cao.
Khó khăn tuyển dụng
Nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng mạnh mẽ, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Một trong những yêu cầu được đặt ra đối với mục tiêu này là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên thực tế hiện nay đang bộc lộ khá nhiều điểm nghẽn cho mục tiêu này. Cụ thể, theo phản ảnh của cộng đồng DN, họ đang gặp khó khăn bởi nguồn lực lao động đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Lê Huy Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT Group) cho hay, nhu cầu về nguồn nhân lực đối với công ty luôn cao, song DN lại rất khó tuyển dụng nhân công.
Theo ông Đức, cho dù công ty đã tiếp cận các trường đại học để trực tiếp “đặt hàng” nhưng lượng sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc vẫn rất hạn chế. Kết quả là đến thời điểm này, công ty của ông Đức vẫn đang rất “khát” nhân lực.
Theo vị giám đốc này, ở thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, phần lớn các DN đều mong muốn tiếp nhận những nhân lực phải thực hành tốt, làm được việc ngay. Song thực tế, trong khi lượng sinh viên được đào tạo ở cấp đại học vẫn thừa thì nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp hiện nay lại vô cùng khan hiếm, khiến DN rất khó tuyển dụng.
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là rất lớn. Đặc biệt, khi nền kinh tế ngày càng đòi hỏi một nền khoa học công nghệ phát triển mạnh, yêu cầu về chất lượng các sản phẩm được làm ra từ các DN hỗ trợ càng cao hơn.
Trong bối cảnh đó, các DN ngoài việc phải đầu tư nhiều hơn cho dây chuyền công nghệ mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất, họ cũng rất cần phải “củng cố” bằng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam thông qua các trường đại học, cao đẳng đang cho thấy sự bất cập, thực sự chưa đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho DN.
Cần sự kết nối
Nhận định về vấn đề này, giới chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần phải có sự kết nối giữa DN với nhà trường để hai bên có thể hiểu nhu cầu của nhau, từ đó có thể cho “ra lò” một lực lượng sinh viên có thể đáp ứng được mong muốn của DN.
Song hiện nay, theo TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT), các DN và nhà trường hầu như chưa có sự kết nối này. Các trường học, cơ sở dạy nghề hiện chủ yếu vẫn đang đào tạo theo năng lực và khả năng của mình, dẫn đến nguồn lực chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của DN.
Cũng theo ông Khánh, thách thức vô cùng lớn về nguồn nhân lực khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt những thách thức từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan toả toàn cầu, càng đòi hỏi nguồn nhân lực Việt Nam phải có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể nếu không muốn bị làn sóng công nghệ 4.0 nhấn chìm.
Không phủ nhận những nỗ lực của nhà quản lý trong việc đưa ra những chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo phản hồi của nhiều DN, họ không chỉ gặp khó trong vấn đề tuyển dụng nhân lực, mà còn khó cả trong việc tiếp cận vốn, đất đai cũng như nhiều yếu tố khác.
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu hội nhập hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những đột phá trong triển khai bằng quyết tâm của các cấp các ngành nhằm cụ thể hoá các chính sách. Đây chính là động lực để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn lực về tài chính công nghệ, hướng tới sự kết nối giữa DN trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.
Riêng đối với vấn đề nhân lực, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, cần có sự hợp tác hai chiều giữa nhà trường và DN. Hai bên cần có sự trao đổi, khảo sát để hiểu nhu cầu của nhau, từ đó xây dựng những phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm hơn, đúng ngành nghề hơn…