Nguy cơ ngộ độc mùa nắng nóng
Mới chớm hè nhưng đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mùa hè với thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao.
Ảnh minh họa.
Liên tiếp các vụ ngộ độc
Ngày 10/5, 31 học sinh trường Mẫu giáo Đăk Hring, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, nhập viện cấp cứu tại Phòng khám đa khoa khu vực Đăk Hring với các triệu chứng sốt, đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng...
Đến chiều cùng ngày các em được chuyển lên Trung tâm y tế huyện Đăk Hà, trong đó có 5 em điều trị ngoại trú, 26 em đang điều trị nội trú. Đánh giá bước đầu, các bác sĩ Trung tâm y tế dự phòng huyện nhận định, đây là vụ ngộ độc nghi nhiễm vi sinh vật lị trực tràng.
Trường Mẫu giáo Đăk Hring có 630 học sinh với 1 điểm trường chính tại xã Đăk Hring và 11 điểm trường phụ ở các thôn, làng. Điểm trường chính có 233 học sinh, toàn bộ đều học bán trú. Ngày 9/5, sau khi các em ăn xong bữa tối thì xuất hiện các triệu chứng sốt, đau bụng, nôn, đi ngoài và được các thầy cô đưa đến cấp cứu tại bệnh viện.
Bà Huỳnh Thị Hường, Phó chủ tịch xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), cho biết trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, khiến 19 người ở thôn Phú Môn phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Hương Thủy. Các bệnh nhân nhập viện cấp cứu với triệu chứng đau bụng, đi ngoài phân lỏng, kiệt sức…Đến viện các bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm.
Theo lời kể của một bệnh nhân thì sau khi đội âm công (nhóm người hành lễ trong đám tang) tham gia việc chôn cất người thân của gia đình người cùng thôn thì được họ phát cho mỗi người một đòn bánh tét mang về. Những người này mang bánh tét về cho cả gia đình ăn và xảy ra tình trạng ngộ độc.
Người ăn nhiều thì bị nặng, còn người ăn ít bị ngộ độc nhẹ hơn. Có nhà cả 5 người bị ngộ độc, như gia đình anh Nguyễn Hữu Cường (23 tuổi). Trong số 19 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện có 3 bệnh nhi, nhỏ nhất mới 1 tuổi.
Hay mới đây nhất, sáng 15/5, các bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng tiếp nhận, khám, cấp cứu cho 17 người nghi ngộ độc thực phẩm. Đó là một đoàn khách du lịch từ Hà Nội vào Đà Nẵng và một đoàn là cán bộ tại thành phố Vũng Tàu đi thực tế học tập kinh nghiệm các tỉnh, thành trong khu vực.
Trước đó, đoàn đến ăn cơm tại quán cơm gà bà Buội Hội An, chi nhánh Đà Nẵng tại số 253 Hồ Nghinh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Sau đó trên đường về khách sạn một số người bắt đầu có triệu chứng nôn mửa, đau bụng và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngày 17/5, Sở Y tế Đà Nẵng cho biết đã có kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm lấy tại quán cơm gà Bà Buội gây ngộ độc cho 17 du khách. Cụ thể, trong 11 mẫu mà Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã lấy để xét nghiệm, mẫu dưa chua có chứa E.coli vượt mức cho phép gây ngộ độc. “Đây là mẫu nhiễm vi sinh vật gây bệnh, gây ngộ độc cho khách hàng”, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói.
Theo Tổng cục thống kê, trong tháng 4/2017 đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm 114 người bị ngộ độc. Tính từ ngày 18/12/2016 đến 17/4/2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 29 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 755 người bị ngộ độc, trong đó 15 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân và cách phòng tránh
Những hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm chính là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, thời tiết nóng và ẩm, mùa Hè thường thiếu nước sạch; nguyên liệu tươi sống không bảo đảm an toàn do nắng nóng, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2h dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa...
Bên cạnh đó, mùa Hè cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột...
Đây là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Đặc biệt, việc thiếu cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... tại các đám cưới, giỗ; việc không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm... làm gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bộ Y tế khuyến cáo để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa Hè, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh; Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Khi bị ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện các triệu chứng sau: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở… tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc. Khi thấy cơ thể người bị ngộ độc thực phẩm xuất hiện các dấu hiệu trên cần tiến hành các bước sơ cứu sau: Gây nôn: Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, điều đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Pha một cốc nước muối loãng rồi cho người bệnh uống, dùng tay đặt vào lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Khi tiến hành gây nôn cho người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu để chất nôn không bị trào ngược vào phổi. Uống nhiều nước: Khi người bệnh đã nôn được, để cho người bệnh nằm nghỉ, sau đó hòa một gói orezol với nước hoặc pha nước muối đường cho người bệnh uống để bù và chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh giúp hạn chế tác hại mà độc tố mang lại. Sau khi tiến hành sơ cứu, nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để bác sỹ tiến hành rửa ruột hoặc các biện pháp điều trị cần thiết cho bệnh nhân. |