Tăng số trẻ bị bệnh huyết áp cao
Nhiều người vẫn cho rằng, chỉ có người cao tuổi mới mắc bệnh huyết áp cao, thế nhưng, hiện rất nhiều trẻ em là nạn nhân của “sát thủ thầm lặng” này. Cũng chính vì biểu hiện của bệnh không rõ ràng nên nó dễ bị bỏ qua, gây ra biến chứng vô cùng nguy hiểm cho trẻ.
Cùng với chế độ ăn uống thì tăng cường vận động là cách tốt nhất để trẻ không bị bệnh tăng huyết áp.
Vì sao trẻ bị bệnh huyết áp cao?
Bác sỹ Phạm Văn Hưng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết 15% trẻ em tại TP Hồ Chí Minh mắc tăng huyết áp do thừa cân, béo phì, lười vận động. Đáng lo ngại bố mẹ các em không nghĩ rằng con mình bị mắc căn bệnh này nên dễ dàng bỏ qua các triệu chứng.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến cho bệnh tăng huyết áp đang ngày càng trẻ hóa và đáng báo động là do lối sống thụ động, sử dụng bia rượu, thuốc lá, thức khuya, lười vận động, thừa cân béo phì trong giới trẻ. Do vậy, các bác sỹ khuyến cáo, đo huyết áp thường xuyên là cách đơn giản để phát hiện sớm, là chìa khóa dự phòng, quản lý và điều trị hiệu quả tăng huyết áp.
Trẻ bị huyết áp cao thường có biểu hiện nhức đầu, nôn ói, chóng mặt, đỏ bừng mặt, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, giảm thị lực, co giật, mệt mỏi, phù...Nếu trẻ bị huyết áp cao mà không được điều trị sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như bị suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não hay bệnh não do cao huyết áp. Bởi vậy, khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu nói trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị.
Phòng ngừa
Huyết áp cao ở trẻ em có thể phòng ngừa và điều trị dễ dàng bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống khoa học. Như duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý; đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, khoa học, hợp lý, hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, mỡ, mặn, thức ăn nhanh. Tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ, rau xanh, trái cây...
Cùng với đó tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ như: tập thể dục, vui chơi hoạt động ngoài trời, khuyến khích trẻ năng động. Hạn chế ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, chơi game, xem ti vi... Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, đường và muối.
Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, là nguyên nhân của tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim khiến hàng trăm ngàn người Việt Nam bị tử vong, liệt, tàn phế, mất sức lao động mỗi năm.
Từ năm 2016 đến nay, TP HCM triển khai dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” đã kiểm soát tình trạng tăng huyết áp cho khoảng 2 triệu người dân, trong đó có khoảng 700.000 người trên 40 tuổi sinh sống trên địa bàn bốn quận gồm quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Thủ Đức.
Dự án đã cung cấp các hoạt động sẵn có về sàng lọc, phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng dựa vào mạng lưới cộng tác viên được đào tạo và thành lập các điểm đo huyết áp miễn phí.