Quản lý nợ công: Phân cấp thẩm quyền
Ngày 25/5, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước), đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001), trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là: Nhật Bản (tăng 6,8 lần), Ngân hàng Thế giới (tăng 11,5 lần) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (tăng 20,3 lần).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chỉ ra, vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ Nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội thành chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới là hết sức cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần bám sát mục tiêu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật, theo đó, nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức thẩm định; cơ quan giám sát, sử dụng vốn vay, phương thức, điều kiện tái cơ cấu nợ.
Cũng theo ông Hải, về trách nhiệm trong quản lý vay nợ, Dự thảo luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ, song mới chỉ dừng ở những quy định liên quan đến nội dung công việc các cơ quan này thực hiện mà chưa phân định rõ chế độ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
“Để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí”- ông Hải nêu rõ.
Gắn trách nhiệm trong quản lý các khoản nợ cũng như người vay nợ Ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi ngày 25/5, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng: Điều quan trọng là phải gắn với trách nhiệm trong việc quản lý các khoản nợ này cũng như người vay nợ. Ông Ngân cho rằng: Còn điểm cần tranh luận là đầu mối quản lý thống nhất nợ công hiện nay có nên để như trước đây hay không? Cho nên vấn đề đó cần được thảo luận, bàn bạc tìm ra một cơ quan quản lý thống nhất. Hay là vấn đề nợ Chính phủ vay và cho vay lại thì quản lý như thế nào để đảm bảo hạn chế các rủi ro. Chứ vừa qua thấy rằng các khoản nợ mà Chính phủ vay rồi về cho vay lại các dự án thì có một số dự án không phát huy được hiệu quả, đắp chiếu rồi phải giải thể, phá sản thì nợ đó đã chuyển thành nợ công, và nợ xấu của nợ công cũng là điều đáng được quan tâm trong Luật Quản lý nợ công sửa đổi. “Và điều quan trọng hơn nữa là làm sao gắn với trách nhiệm trong việc quản lý các khoản nợ này cũng như người vay nợ, làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Cho nên Luật Quản lý nợ công sửa đổi phải gắn chặt với Luật Đầu tư công cũng đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015”- ông Ngân nhấn mạnh. |