Vẫn 'rối' chuyện thương thảo tác quyền
Vừa qua, sau khi gửi văn bản đến các khách sạn ở Đà Nẵng về việc thu tiền tác quyền âm nhạc sử dụng tại khách sạn, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã bị các đơn vị này phản ứng. Trước sự quan tâm của dư luận, ngày 25/5, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) và VCPMC đã có cuộc làm việc và thông tin cho báo chí để làm rõ hơn vấn đề này.
Việc thu tiền tác quyền âm nhạc tại khách sạn 4, 5 sao tại Hà Nội đã được tiến hành từ lâu.
Nhiều chủ khách sạn ở Đà Nẵng đang bức xúc trước việc họ bị VCPMC yêu cầu trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc với mức thu 25.000 đồng/phòng/năm.
Trong đó có việc thu tiền nhạc phát từ các tivi trong phòng khách sạn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC lý giải, VCPMC Chi nhánh phía Nam gửi công văn tới các khách sạn ở Đà Nẵng chừng 1 tháng nay. Hiện đã có đơn vị phản hồi, có đơn vị chưa.
Theo đó việc thu tác quyền âm nhạc tại các khách sạn đã được VCPMC thực hiện từ 10 năm qua. Ban đầu là triển khai tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác.
Việc thu tiền tác quyền âm nhạc đang áp dụng đối với khách sạn 4, 5 sao và đang trong giai đoạn triển khai đối với các khách sạn 3 sao. Với khu vực Đà Nẵng, việc thu tác quyền âm nhạc cũng đã được thực hiện với một số khách sạn khoảng 2 năm nay, không phải bây giờ mới tiến hành.
Mức thu 25.000 đồng/phòng/năm được VCPMC xác nhận là có đàm phán với các đơn vị khách sạn, nhưng không dựa trên đàm phán đại trà. Dẫu thế, theo trung tâm đây là mức thu hợp lý.
Trong đó tiền thu tính theo đầu ti vi/phòng tại khách sạn rất nhỏ mà chủ yếu là thu tiền tác quyền từ biểu diễn âm nhạc, quán bar, nhạc sảnh chờ, phòng karaoke… chứ không phải là chỉ thu trên đầu tivi như đã phản ánh.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc tỉ lệ tác quyền âm nhạc thu từ khách sạn sẽ được trả cho tác giả ra sao? Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc VCPMC phía Bắc cũng đã xác nhận, hiện nay Trung tâm không thể kiểm soát được lượng ca khúc mà các khách sạn sử dụng, cũng như số đầu ti vi có trong khách sạn, mà chủ yếu là dựa trên số liệu mà khách sạn cung cấp.
Do đó việc rạch ròi tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được các khách sạn đang sử dụng vẫn ở mức tương đối, tức là chưa thực sự công bằng. VCPMC mong muốn trong tương lai sẽ xây dựng được phần mềm hỗ trợ để kiểm soát được tần suất sử dụng ca khúc tại những đơn vị kinh doanh này thì việc thu và phân phối tác quyền sẽ minh bạch hơn.
VCPMC cho biết, dù thế nào họ cũng sẽ kiên trì thuyết phục để các chủ kinh doanh khách sạn nói riêng và cộng đồng hiểu rõ hơn về việc thực thi tác quyền.
Sở dĩ các khách sạn ở Đà Nẵng bức xúc cũng bởi một phần trong công văn của VCPMC phía Nam gửi các khách sạn tại Đà Nẵng vào ngày 28/4 vừa qua đã nêu: vào ngày 11/4, VCPMC đã phối hợp với UBND quận Hải Châu và Phòng VHTT tổ chức hội nghị triển khai phổ biến các quy định về quyền tác giả âm nhạc.
Hội nghị này có sự tham gia của đại diện các Sở, ban ngành và chủ các cơ sở kinh doanh khách sạn trên địa bàn thành phố. Theo quy định tại khoản 2, 3, điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi các tổ chức cá nhân, khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả.
Tuy nhiên, hiện các chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng thường xuyên sử dụng các tác phẩm âm nhạc nhưng không trả tiền thù lao, nhuận bút là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Từ các căn cứ trên, VCPMC yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng phải trả tiền khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc. Việc thực hiện nghĩa vụ trả tiền được thực hiện từ ngày 10/5.
Vấn đề được đặt ra ở đây là giữa VCPMC và các khách sạn tại Đà Nẵng chưa hề có sự thương thảo, đồng thuận với mức thu như đã đề cập ở trên. Do đó VCPMC ra một văn bản áp thực hiện là điều vô lý.
Tại cuộc trao đổi sáng 25/5, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả khẳng định, việc VCPMC – một trong những tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tiến hành thu tác quyền âm nhạc là phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ và Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả.
Tuy nhiên, VCPMC cần thay đổi phương thức làm việc so với hiện nay, cần đàm phán để đạt được đồng thuận với đối tác kinh doanh sử dụng tác phẩm âm nhạc. Trong trường hợp không thỏa thuận được mới nhờ tới sự can thiệp của luật pháp.
Ông Hùng phân tích, Luật Sở hữu trí tuệ cũng qui định rõ về các phương thức trả tiền tác quyền cho tác giả (có xin phép và trả tiền tác quyền, không xin phép và trả tiền tác quyền…) như thế thì quy trình thỏa thuận cũng sẽ khác, chứ không phải lúc nào VCPMC cũng được quyền ngồi một chỗ, ra văn bản và yêu cầu đơn vị kinh doanh thực hiện tác quyền.
Cùng với đó, việc thu - trả tiền tác quyền phải minh bạch với hội viên cũng như các bên liên quan; phải vừa phù hợp với nguyện vọng của hội viên, vừa phù hợp với quyền lợi của bên khai thác sử dụng.
Đặc biệt là đừng vì không thỏa thuận được mà VCPMC làm mất đi quyền được nghe nhạc của công chúng. Do đó Trung tâm phải thực hiện đúng quy trình, đúng luật, nhất là khi triển khai thu tác quyền ở lĩnh vực mới, địa bàn mới đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp với từng hình thức sử dụng.
Vì lẽ đó, công văn mà VCPMC gửi các khách sạn ở Đà Nẵng vừa qua cũng nên xem như họ vẫn đang trong giai đoạn vận động, thương thảo chứ chưa thể là việc áp các khách sạn thực hiện.