Nỗi đau của người nhận khoán trồng rừng
Năm 1992, hàng trăm hộ gia đình ở huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), được động viên nhận đất để trồng mới và khoán bảo vệ, chăm sóc và trồng mới rừng trên đất lâm trường Ngân Sơn (cũ). Sau nhiều năm đổ mồ hôi, rừng phát triển tốt, người dân đã mừng thầm. Ai dè, năm 2009, người thì bị lâm trường đến thu hoạch, chỉ trả công 100.000 đồng/ha/năm, người thì bị thu hồi hết với những lý do … “trời ơi”.
Những hộ dân đang chỉ về cánh rừng của mình nguy cơ bị “trắng tay”.
Từ quyết sách để phát triển rừng
Vào những năm đầu 1990, huyện Ngân Sơn (khi đó thuộc tỉnh Cao Bằng), có Nông trường Ngân Sơn quản lý 1.340 ha đất và Lâm trường Ngân Sơn quản lý 5.247 ha đất, là hai doanh nghiệp nhà nước, ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhiều tháng trời công nhân không có lương. Nhiều người phải tìm nơi khác để mưu sinh. Nhiều diện tích đất của lâm trường Ngân Sơn bị bỏ hoang. Rừng tự nhiên và rừng trồng mới thiếu người bảo vệ, chăm sóc. Nạn xâm hại rừng và cháy rừng liên tục xảy ra.
Để cứu tài nguyên đất rừng ở đơn vị quốc doanh trên địa bàn, UBND huyện Ngân Sơn khi ấy đã quán triệt sâu sắc “Kế hoạch phát triển” kinh tế - xã hội 5 năm (1991 - 1995) của UBND tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 13 (tháng 11/1991), với định hướng “Các cơ sở quốc doanh hiện có, cần được tổ chức sắp xếp lại, chuyển toàn bộ sang hạch toán; giải thể và chuyển hướng sản xuất; các xí nghiệp, nông, lâm trường làm ăn thua lỗ; đất đai của nông, lâm trường cần được giao khoán cho gia đình công nhân sản xuất kinh doanh. Các nông, lâm trường; công ty; xí nghiệp chủ yếu chuyển sang làm nhiệm vụ dịch vụ kỹ thuật; vật tư; cho vay vốn; tiêu thụ sản phẩm…”.
Theo đó, năm 1992, bộ máy của Lâm trường Ngân Sơn được rút gọn (chỉ còn bộ phận văn phòng làm dịch vụ), các đội sản xuất được giải thể. Toàn bộ 5.247 ha đất rừng tự nhiên, rừng trồng theo Dự án 327, 661 giao cho công nhân.
Tuy nhiên, khi thực hiện giao đất và rừng, công nhân không còn ở lâm trường. Cơ quan Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện Ngân Sơn, ban hành Quyết định giao đất theo Luật Đất đai – 1987 cho từng hộ gia đình dân sở tại; trong đó có nhiều hộ gia đình nguyên là công nhân lâm trường, đã về nghỉ hưu, hay theo các chế độ khác.
Quá trình giao đất rừng có hàng trăm ha rừng thông ở độ tuổi 2 – 3 năm ở địa bàn các xã Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân là những điểm xung yếu, khó quản lý, nguy cơ hỏa hoạn cao nên dù quy định “ăn chia” khi khai thác, hộ gia đình nhận khoán được hưởng 60% giá trị sản lượng, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không mặn mà.
Ông Triệu Chin, Giám đốc Lâm trường (từ 1990 -1996 lâm bệnh nặng qua đời), đã trực tiếp vận động bà con người Dao ở địa phương, trong đó có gia đình, người thân của mình, nhận bảo vệ, chăm sóc.
Đến những quyết định khai thác trái quy định, thiếu tình người
Tuy nhiên, vào năm 2009, Lâm trường Ngân Sơn (nay thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn) tiến hành khai thác hàng chục ha rừng thông của nhiều hộ gia đình ở thôn Phiêng Dượng (xã Đức Vân), nhưng không thực hiện cam kết đã thỏa thuận trước đó 17 năm mà chỉ trả “tiền công” bảo vệ theo định mức: Đối với rừng thông trồng 100.000đồng/ha/năm, rừng tự nhiên 50.000đ/ha/năm với lý do, trong bản cam kết “ăn chia” giữa hộ gia đình nhận khoán với lâm trường không ghi đầy đủ nội dung quy định.
Các hộ gia đình Triệu Văn Thịnh (nhận khoán 9 ha rừng thông), Triệu Văn Sinh (nhận 7 ha) cùng hàng chục ha rừng của nhiều hộ gia đình người Dao ở thôn Phiêng Dượng (xã Đức Vân), sau gần 20 năm nhận khoán, chỉ được trả công bảo vệ với tổng số tiền gần 2.000.000đồng/ha.
Còn như trường hợp hộ gia đình ông Bàn Đức Nghiêm (thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng) đã nhận đất cũ của lâm trường, đã được Chủ tich UBND cấp sổ đỏ ngày 20/12/1994 với 9 ha theo Chương trình 327, năm 2012, Lâm trường đã khai thác toàn bộ diện tích rừng thông này (ước tính nhiều tỷ đồng), nhưng không trả cho ông Nghiêm một đồng nào.
Cũng vào năm 2009, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành hàng loạt quyết định thu hồi 450 ha đất rừng của 180 hộ gia đình tại các khu vực Nặm Nàng, Năm Nộc, Phiêng Dượng,Vi Ba, Đèo Gió, Bản Hùa…với lý do: “diện tích đất rừng bị giao trùng”. Từ đó đến nay, các hộ dân đã liên tục đi khiếu nại.