Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) giải quyết việc làm cho 4000 lao động

H.Minh 26/05/2017 16:13

Vượt qua nhiều khó khăn thách thức, huyện Vĩnh Tường đã và đang đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND huyện Vĩnh Tường,
Tập đoàn FLC và Trường Cao đẳng công nghệ giai đoạn 2017 - 2022.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch

Tại Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác cung ứng nguồn nhân lực diễn ra mới đây giữa UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), Tập đoàn FLC và Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, ông Trần Việt Cường - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: Ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, huyện Vĩnh Tường đã xác định mục tiêu muốn phát triển được phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được đề ra phù hợp cho từng giai đoạn, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Vĩnh Tường quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt những kết quả tích cực. Với nhiều chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được ban hành và triển khai thực hiện đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 75,5%, trong đó, số lao động làm việc trong các ngành kinh tế chiếm 69,5%. Giai đoạn 2010 - 2016, huyện đã giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động cho gần 17.000 lao động.

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho người lao động thêm các kỹ năng, kỹ thuật để có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, vì vậy việc ký kết chương trình hợp tác cung ứng nguồn nhân lực sẽ mở ra cơ hội tốt trong tìm kiếm việc làm cho người lao động trên địa bàn”, ông Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về những khó khăn của huyện Vĩnh Tường, ông Trần Việt Cường cho biết: Mật độ dân số tại huyện Vĩnh Tường cao gấp 1,5 lần so với tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng mật độ canh tác đất của người dân có những nơi chỉ đạt 0,3 sào/người (xã Chấn Hưng). “Với mật độ, cơ cấu đất canh tác như vậy, không thể làm giàu từ nông nghiệp được. Nếu không chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, du lịch, chúng ta sẽ tụt hậu rất xa, chỉ cần so với các huyện khác trong tỉnh thôi, chứ chưa nói đến phạm vi cả nước”, ông Trần Việt Cường khẳng định.

Tạo việc làm cho nhân dân

Để giải quyết việc làm cho người dân, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đào tạo, giải quyết việc làm được Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Tường ban hành như Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về ban hành quy định quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc...

Để công tác giải quyết việc làm đạt kết quả, theo kế hoạch, thỏa thuận hợp tác cung ứng nguồn nhân lực kéo dài 5 năm (2017 - 2022), sẽ giải quyết việc làm cho 4.000 lao động tại huyện Vĩnh Tường cho giai đoạn II dự án - Khu đô thị Du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường. Cụ thể, UBND huyện Vĩnh Tường sẽ hỗ trợ thêm cho các học sinh trong đào tạo nghề 3.000.000 đồng/người/năm, trong thời gian 3 năm; Trường CĐ Công nghiệp Phúc Yên sẽ đào tạo các ngành nghề theo yêu cầu của UBND huyện Vĩnh Tường và Tập đoàn FLC; Tập đoàn FLC triển khai xây dựng dự án, tạo cơ hội nghề nghiệp, việc làm; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế...

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết: Trong giai đoạn 2017 - 2022, FLC sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển dự án FLC Vĩnh Thịnh từ 8ha như hiện nay lên quy mô 250ha. Dự án được chia làm 6 khu: Khu chính gồm khách sạn, nhà nghỉ; khu công viên Disneyland; vườn thú sinh thái tự nhiên; khu tổ hợp thể thao với các trò chơi dưới nước; khu nhà ở sinh thái; khu vực phát triển dịch vụ tâm linh... “Khi dự án được khai thác vận hành sẽ tạo nguồn thu đáng kể cho tỉnh, thu hút một lượng lao động lớn khoảng 4.000 tại địa phương và khoảng 2 triệu khách du lịch/năm, cùng nhiều tiện ích kèm theo... Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện Vĩnh Tường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong việc hợp tác cung ứng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho lao động địa phương”, bà Dung nói.

Về phía UBND huyện Vĩnh Tường, ông Cường cho hay, tới đây huyện Vĩnh Tường sẽ có thêm nhiều chính sách để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, song song với việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ lao động học nghề, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ vay vốn sẽ góp phần tích cực giải quyết lao động việc làm cho người dân trên địa bàn huyện.

H.Minh