IS muốn thiết lập căn cứ trên đảo Mindanao của Philippines
Công dân các nước Indonesia và Malaysia nằm trong số các chiến binh thánh chiến nước ngoài đang chiến đấu chống lại quân đội chính phủ Philippines sau khi chiếm đóng một thành phố miền Nam nước này, chính phủ Philippines hôm 26/5 cho hay, trong một lần thừa nhận hiếm hoi rằng đây là một vụ “xâm lược” do IS thực hiện.
Đoàn xe quân sự của Philippines trên đường tới thành phố Marawai, đảo Mindanao. (Nguồn: Reuters).
Trong hôm 26/5, quân đội Philippines đã triển khai thêm nhiều trực thăng chiến đấu và các lực lượng đặc nhiệm tới thành phố Marawi, thuộc đảo miền Nam Mindanao để truy kích những kẻ phiến quân đến từ tổ chức Maute - nhóm từng tuyên bố trung thành với IS - và cho hay các chiến binh đến từ Malaysia, Indonesia cùng nhiều nước khác nằm trong số những kẻ bị tiêu diệt trong trận chiến xảy ra trước đó.
Tuyên bố trên cho thấy mối đe dọa từ cái mà giới chuyên gia và quân sự từng cảnh báo rằng là các động thái mà IS đưa ra nhằm lợi dụng tình trạng nghèo đói và vô pháp luật của khu vực Mindanao để thiết lập một căn cứ dành cho những kẻ cực đoan trong khu vực Đông nam Á và các khu vực khác.
“Điều đang diễn ra ở Mindanao đã không chỉ mang ý nghĩa là một cuộc nổi loạn bên trong Philippines” - Jose Calida, một người phát ngôn quân đội Philippines nói trong một cuộc họp báo - “Nó đã biến thành một cuộc xâm lược của khủng bố nước ngoài, những kẻ nghe theo lời kêu gọi của IS để đến Philippines khi đang gặp khó khăn ở Iraq và Syria”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra cảnh báo sẽ áp đặt thiết quân luật trên đảo Mindanao, hòn đảo lớn thứ hai của nước này, để ngăn chặn sự lan rộng của những kẻ Hồi giáo cực đoan. Ông cũng đang làm việc với chính quyền Mindanao cùng các thủ lĩnh tôn giáo để tìm cách ngăn chặn những kẻ cực đoan.
Mới đây, ông Duterte đã cảnh báo rằng các chiến binh của IS bị đẩy khỏi Iraq và Syria sẽ đổ tới khu vực miền Nam Philippines và đất nước của ông đang có rủi ro bị “vấy bẩn”.
Maute, tổ chức từng cam kết trung thành với IS, đã triển khai quân nắm giữ nhiều vị trí trên các cây cầu và tòa nhà trong hôm 26/5 trong lúc lực lượng bộ binh của Philippines mở các đợt tấn công vào rạng sáng để quét sạch các tay súng sau vụ đánh chiếm khiến 11 binh sỹ và 31 phiến quân thiệt mạng.
Phía Nhà Trắng trong hôm 26/5 đã lên tiếng ủng hộ Philippines trong cuộc chiến chống lại “những kẻ khủng bố hèn hạ”.
Hiện chỉ còn lại ít người trong số 200.000 cư dân thành phố Marawi còn bị mắc kẹt sau khi những kẻ phiến quân thuộc tổ chức Maute đánh chiếm nhà cửa, đốt trường học và một bệnh viện. Chúng đã trả tự do cho 100 con tin nhưng lại bắt giữ một cha xứ cùng một số tín đồ Công giáo tại thành phố này.
Không phải người Hồi giáo thực sự
Nhiều đoàn xe chở người đi sơ tán được các xe vũ trang hạng nặng của quân đội Philippines bảo vệ, trong hôm 26/5, đã tới thành phố Iligan lân cận. Một trong số những người sơ tán, Mark Angelou Siega, đã mô tả lại cảnh sinh viên tháo chạy khi những kẻ phiến quân ập tới trường học của họ.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho bài kiểm tra thì nghe thấy tiếng súng và bom nổ bên ngoài” - Siega nói với hãng tin Reuters - “Chúng tôi rất sợ hãi, cả những người bạn theo tín đồ Hồi giáo cũng vậy. Những kẻ khủng bố này không phải là người Hồi giáo thực sự”.
Ông Calida cho hay tổ chức Maute và phiến quân IS đang có kế hoạch thiết lập nên một “tỉnh lị của IS” ở Mindanao và chính phủ Philippines không phải là mục tiêu duy nhất của chúng.
“Những người mà chúng coi là vô đạo, dù là người Công giáo hay Hồi giáo, đều là mục tiêu của chúng” - ông Calida nói - “Điều đáng lo ngại là IS đã nhồi nhét tư tưởng cực đoan cho một số lượng người Hồi giáo trẻ tuổi ở Philippines”.
Tổng thống Duterte đã từng đối phó với tình trạng ly khai nổi dậy trong suốt 22 năm liền khi còn giữ chức Thị trưởng Davao, thành phố lớn nhất trên đảo Mindanao, tuy nhiên sự trỗi dậy của Maute cùng các tín hiệu về việc tổ chức này có liên hệ với mạng lưới khác, Abu Sayyaf, đã cho thấy một trong những mối đe dọa lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông.
Giới tình báo Philippines mới đây chỉ ra rằng Maute và Abu Sayyaf, hoạt động ở các vùng khác nhau thuộc Mindanao, là có liên hệ với nhau. Các mối liên hệ này đều thông qua kẻ có tên Isnilon Hapilon, thủ lĩnh một nhóm cực đoan thuộc Abu Sayyaf. Tên này là mục tiêu chính trong cuộc truy kích thất bại mà chính quyền Philippines thực hiện hôm thứ Ba vừa qua ở Marawi.