Rút gọn thủ tục để xử lý nợ xấu

Hoài Vũ 27/05/2017 08:10

Chiều ngày 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng, việc xử lý nợ còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, chủ yếu tập trung ở việc thiếu khung pháp lý xử lý nợ xấu. Thời gian xử lý nợ và tài sản kéo dài, không hiệu quả, thường quy định 400 ngày. Tuy nhiên qua các vụ việc thì thường kéo dài khoảng 2 năm mới xong dẫn đến mất thời gian, tốn kém về tiền án phí, lệ phí, bên cạnh đó pháp luật dân sự chưa cho phép áp dụng. Cho nên việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội là cần thiết và ban hành càng sớm càng tốt.

Theo ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau), trong quá trình xử lý bế tắc, vướng trong cách giải quyết tài sản thế chấp và thu giữ tài sản thế chấp. Do đó cần tính toán thủ tục rút gọn để giải quyết nhanh hơn. Đơn cử như thủ tục rút gọn đối với tài sản gắn liền với đất để Tòa án xử nhanh. Khi người mua tài sản thanh lý sớm làm giấy chủ quyền cho họ như thế mua bán hành thị trường được đẩy nhanh.

Còn theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Thanh Vân thì quốc tế có 5 giải pháp, trong đó thứ nhất xác định đánh giá tài sản nợ xấu minh bạch cho nên ta cũng phải có cơ chế theo lộ trình này và cần có cơ quan thẩm định độc lập khách quan để xác định nguồn gốc. Thứ hai là mua lại nợ xấu của ngân hàng thông qua công ty xử lý nợ, hiện của nước ta là VAMC nhưng quá ít ỏi, cuối năm 2016 mới xử lý hơn 50 ngàn tỷ trong 611 nghìn tỷ. Thứ ba là mua lại nợ xấu đi kèm ràng buộc cùng điều kiện ngặt nghèo gắn với cơ cấu lại ngân hàng nhưng hiệu quả chưa chuyển biến rõ nét trong tổ chức và họat động. Thứ tư là bơm vốn cứu ngân hàng để đảm bảo hoạt động lưu thông tiền tệ, thành lập công ty mua bán tài sản. Thứ năm là tạo ra cơ chế thỏa thuận thương lượng giữa các bên.

Với ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc ban hành Nghị quyết về nợ xấu cần phải có một số nguyên tắc chung. Trong đó, quy định cụ thể thời điểm xử lý nợ xấu. Nghị quyết phải tuân thủ nghiêm các luật liên quan như: Luật Ngân sách nhà nước, luật Các tổ chức tín dụng (sủa đổi), Luật Thi hành án; Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án, Luật Đấu giá. Đồng thời không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Cùng chung quan điểm, ĐB Đoàn Hồng Phong (Nam Định) cho rằng vấn đề này rất quan trọng, không cẩn thận chúng ta biến tiền ngân sách chuyển vào tín dụng của các tổ chức kinh tế.

Nói như lời ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) thì, nợ xấu luôn hiện hữu, rủi ro luôn xảy ra, giải quyết giai đoạn này rồi giai đoạn sau thế nào? Chẳng lẽ lại có một nghị quyết khác? Trước giờ coi VAMC như cứu cánh cho hệ thống, VAMC do Nhà nước thành lập. Nói không được lấy ngân sách xử lý nợ xấu, vậy VMAC mua thì rõ ràng tiền Nhà nước chứ tiền ở đâu? “Tôi chưa thấy VAMC có giải pháp xử lý nợ xấu thế nào. Cho nên cần phải xem lại VAMC và hiệu quả của quá trình mua bán nợ xấu này”- ĐB Quỳnh Thơ nói.

Hoài Vũ