GS.TS Phạm Tất Dong: Bỏ biên chế là 'cởi trói' cho nhà giáo
Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc thời gian tới, Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, thay vào đó là chế độ hợp đồng “có vào - có ra”, chế độ đãi ngộ lớn; GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng đây là điều hợp lý, giống với các nước trên thế giới.
Giáo viên sẽ tự cố gắng vươn lên khi áp dụng quy định bỏ biên chế.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, nếu bỏ công chức, viên chức, giáo viên sẽ chủ động hơn bây giờ. Ít nhất, khi thấy môi trường không tốt, chế độ đãi ngộ không hợp lý họ có thể xin chuyển sang trường khác với những thủ tục gọn nhẹ. Đặc biệt các giáo viên giảng dạy ở vùng sâu vùng xa cũng sẽ có lợi hơn, sẽ không phải suốt đời ở nơi hẻo lánh mà có thể thay đổi nơi công tác.
Tuy nhiên, đây cũng là điều theo GS Dong là cần phải lưu ý. Bởi nếu chúng ta không tạo điều kiện, có chế độ tốt hơn cho giáo viên đến công tác tại những vùng này sẽ khó giữ được chân họ. Bởi nếu có chế độ biên chế, theo lệnh điều động họ phải đi. Còn khi bỏ biên chế, đương nhiên, khó có giáo viên nào tình nguyện ký hợp đồng ở các điểm trường vùng khó khăn, nếu điều kiện hỗ trợ cũng như nơi khác.
“Vì thế, giờ muốn thu hút giáo viên theo chế độ hợp đồng lên vùng sâu, vùng xa chúng ta phải có chế độ đãi ngộ hợp lý và có tính hấp dẫn. Đương nhiên, chỉ là những hợp đồng khoảng 3 - 4 năm rồi tạo điều kiện cho họ chuyển về dưới xuôi, nếu họ có nguyện vọng chứ đừng quá cứng nhắc ép họ ở lại.
Với những giáo viên giỏi, chúng ta phải có cách giữ chân họ, tạo điều kiện cho họ thăng tiến và phát huy khả năng chứ đừng để họ làm cho hết hợp đồng rồi đi. Giáo dục là ngành trồng người nên rất đặc thù, chúng ta cần những giáo viên thực sự có chuyên môn để có một thế hệ trẻ năng động, có tầm quan sát.
Với giáo viên kém, đương nhiên, hết hợp đồng nên nghỉ cho người khác có trình độ làm. Điều đó sẽ khiến bản thân giáo viên phải tự vận động, tự trau dồi để nâng cao trình độ của mình để được ký tiếp hợp đồng. Nếu ai cũng thế, đương nhiên đội ngũ giáo viên của chúng ta sẽ nâng cao trình độ”.
Chia sẻ về việc nhiều người cho rằng, bỏ biên chế và thay thành chế độ hợp đồng với giáo viên, cấp quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó sẽ có quyền lực quá cao, dễ lạm quyền, GS Dong cho rằng cũng nên ký hợp đồng với hai vị trí này. Bởi nếu giáo viên theo chế độ hợp đồng thì chẳng có lí do gì mà hiệu trưởng, hiệu phó lại hưởng chế độ biên chế. “Cả hiệu trưởng hay hiệu phó cũng chỉ nên là người làm công ăn lương giống như giáo viên” - GS Dong chia sẻ.
Nhà nước sẽ ký hợp đồng, nhờ người này làm hiệu trưởng trong vòng một thời gian nhất định. Nếu đáp ứng sẽ ký hợp đồng tiếp còn không đạt yêu cầu thì dừng. Đến lúc ấy thì hiệu trưởng nào cũng phải phấn đấu quản lý tốt, chẳng dám lạm quyền để bị chấm dứt hợp đồng.
GS Dong nhấn mạnh một lần nữa rằng: Quy định bỏ biên chế giáo viên sẽ tạo điều kiện tốt cho những người đã đến tuổi về hưu nhưng có chuyên môn, có trình độ mà còn muốn cống hiến”
Đặc biệt, khi ở chế độ biên chế, chúng ta có quy định cứng nhắc là cấp giáo sư hay phó giáo sư thì chỉ làm đến một độ tuổi nào nhất định rồi sẽ về hưu. Nhưng nếu chuyển sang chế độ hợp đồng thì những người đã về hưu được ưu tiên hơn, được “cởi trói”. Miễn là họ làm được việc, có chuyên môn, có kinh nghiệm, và còn muốn cống hiến thì không có lí do gì mà chúng ta không trọng dụng họ, bởi chúng ta đang cần những người tài.
Còn về những người đã có thâm niên công tác, GS Phạm Tất Dong đặt ra câu hỏi, tại sao những giáo viên nhiều tuổi lại ngại chế độ hợp đồng, lại không ủng hộ quy định này? Tôi nghĩ, là một giáo viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm, có uy tín đương nhiên nhà trường sẽ ký hợp đồng với giáo viên đó. Vậy thì có gì mà lo lắng cho việc ký hợp đồng với giáo viên trẻ hay giáo viên có tuổi. Vấn đề là tài năng, có tài năng thì không ngại gì cả. Khi áp dụng bỏ công chức thì tự thân mỗi giáo viên sẽ phải cố gắng, từ giáo viên trẻ lẫn giáo viên có thâm niên.
Và để đổi mới cả xã hội này, “theo quan điểm của tôi, không chỉ Bộ GD&ĐT mà cả những Bộ khác cũng nên tiến tới bỏ công chức, viên chức, thay vào đó là chế độ hợp đồng. Đây là chế độ lao động cần thiết sẽ góp phần nâng cao chất lượng ở mọi ngành, nghề”.