Thêm một lưng cơm ấm lòng người nghèo
Để kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục tình trạng thiếu đói trong thời gian giáp hạt đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước- DTNN) xuất cấp 9.154,49 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương trong thời gian giáp hạt năm 2017. Với bà con trên một số vùng đất nước, gạo hỗ trợ của Chính phủ mùa giáp hạt những ngày này như chiếc “phao cứu sinh” góp thêm một lưng cơm ấm lòng những ngày giáp hạt.
Người dân nhận gạo cứu trợ mùa giáp hạt.
Người dân mùa giáp hạt
Bảo Lâm, Cao Bằng là một huyện nghèo có nhiều dân tộc cùng chung sống, dân cư không tập trung, địa hình phức tạp, giao thông chưa phát triển, nhất là ở các xã, vùng sâu, xa, dân trí không đồng đều, tập quán canh tác của đồng bào chủ yếu là làm nương và đi làm thuê. Chính vì vậy được Nhà nước hỗ trợ gạo mùa giáp hạt có ý nghĩa vô cùng lớn với bà con nơi đây.
Theo ông Nguyễn Quốc Hải- Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Bắc: mùa giáp hạt năm 2017, 11 huyện tỉnh Cao Bằng được cấp hỗ trợ 1,328 nghìn tấn gạo. Ngay sau khi có quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN về việc xuất gạo hỗ trợ cho nhân dân tỉnh Cao Bằng trong thời gian giáp hạt năm 2017, đơn vị đã chủ động làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng để thực hiện giao nhận hỗ trợ gạo kịp thời cho nhân dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Cục, tinh thần làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ; cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành địa phương, chỉ trong thời gian ngắn, Cục DTNN khu vực Hà Bắc đã hoàn thành giao đủ hơn 1,328 nghìn tấn gạo hỗ trợ đến nhân dân trên địa bàn thuộc 11 huyện, thành phố tỉnh Cao Bằng đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng.
“Với người nghèo, mùa giáp hạt là nỗi lo thậm chí là nỗi sợ về thiếu đói. Chẳng thế mà khi nhận được gạo cứu đói của Chính phủ, nhiều người dân đã không giấu được niềm vui”- ông Nguyễn Quốc Hải chia sẻ.
Cũng giống như Cao Bằng, người dân Lào Cai khi được nhận gạo hỗ trợ mùa giáp hạt ai nấy cũng tràn đầy niềm hân hoan bởi không phải lo cái đói nữa. Chị Cù Thị Nhinh xã Cốc Ly, huyện Bảo Thắng, Lào Cai một trong những hộ được nhận gạo hỗ trợ tâm sự: “Nhà có hơn 2 sào ruộng, năm vừa rồi mất mùa, phải đi làm thuê nhưng tằn tiện, chắt bóp lắm cũng không sao đủ ăn. Vừa qua đã được xã gọi lên cấp phát cho 60kg gạo (mỗi người trong gia đình 15kg). Số gạo trên đã kịp thời giúp gia đình chị có đầy đủ cơm ăn trong giai đoạn khó khăn này” – Chị Nhinh hồ hởi cho biết.
Ông Giàng A Vừ, Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái xúc động chia sẻ: Được Chính phủ cho gạo hỗ trợ giáp hạt lúc này bà con hết sức phấn khởi. Được gạo hỗ trợ của Chính phủ, các hộ dân có điều kiện ổn định cuộc sống, định canh, định cư, giữ đất, giữ rừng, có điều kiện cho con em đi học có cái chữ, có kiến thức, thế mới mong có được cuộc sống tốt đẹp hơn”...
Không để người dân bị đói mùa giáp hạt
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 13 tỉnh được cấp gạo hỗ trợ cứu đói trong đó: Bình Định (750,87 tấn gạo); Đắk Nông (517,265 tấn); Cao Bằng (2.082 tấn); Lai Châu (679,41 tấn); Lạng Sơn (338,835 tấn); Hà Nam (546,18 tấn); Gia Lai (616,08 tấn); Sóc Trăng (54,84 tấn); Điện Biên (2.069,37 tấn); Tuyên Quang (351,915 tấn gạo); Yên Bái (462,72 tấn gạo); Lào Cai (200,745 tấn gạo); Kon Tum (484,26 tấn gạo).
Theo ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, một số địa phương khác cũng khó khăn, đang tiếp tục rà soát để báo cáo Chính phủ hỗ trợ. Do vậy, số lượng các nhân khẩu được Chính phủ hỗ trợ cứu đói mùa giáp hạt có thể còn cao hơn. Cũng theo ông Thời, “ngay sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực xuất gạo hỗ trợ cho các địa phương; đồng thời, có văn bản đề nghị UBND các tỉnh phối hợp với các Cục DTNN khu vực để có kế hoạch xuất kho, vận chuyển, giao nhận gạo”.
Để bảo đảm công tác xuất cấp, hỗ trợ gạo cho các địa phương kịp thời và hiệu quả, ông Lê Văn Thời cho biết, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực tập trung bố trí nguồn lực, cán bộ, phương tiện vận chuyển và phối hợp với các đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo hỗ trợ để kịp thời triển khai xuất gạo hỗ trợ, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng kế hoạch tiếp nhận. Đồng thời, Tổng cục DTNN cũng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra giám sát quá trình phân phối, tiếp nhận gạo của các địa phương đến đối tượng thụ hưởng; nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình triển khai, trao đổi thông tin và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai (nếu có).
Cũng theo ông Thời chất lượng gạo dự trữ quốc gia ở bất cứ thời điểm nào, khi xuất cho người sử dụng đều đảm bảo theo quy định. Gạo khi được nhập vào kho phải được kiểm tra rất chặt chẽ, theo các tiêu chuẩn quy định chất lượng của ngành. Đồng thời tiếp tục được các Cục DTNN khu vực áp dụng công nghệ bảo quản kín hiện đại, đảm bảo gạo dự trữ có thể giữ được chất lượng tốt theo quy định là 24 tháng. Khi xuất gạo cho người sử dụng, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực phải lấy mẫu, cùng với đơn vị tiếp nhận đối chứng và cùng ký biên bản lưu lại.
Ông Lê Văn Thời- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước: Đến nay, các Cục Dự trữ nhà nước khu vực đã hoàn thành xuất cấp gạo 100% cho các địa phương; riêng đối với hỗ trợ tỉnh Kon Tum 484,26 tấn gạo, cán bộ ngành Dự trữ sẽ hoàn thành xuất cấp trong tháng 5/2017 này. |