Quản trị công ty: Không thể để tụt hậu
Một đánh giá từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN) còn lẫn lộn giữa quản trị doanh nghiệp với quản lý tác nghiệp. Thực hành quản lý theo kiểu thuận tiện, thiếu vắng các yếu tố của quản trị công ty làm cho năng lực cạnh tranh của DN gặp nhiều hạn chế, DN lúng túng và chậm phản ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Ông Nguyễn Vũ Quang Trung- Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung.
PV:Quản trị doanh nghiệp (QTDN) tốt sẽ thu hút đầu tư, cải thiện hoạt động của DN. Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã xây dựng các chương trình để nâng cao nhận thức của thị trường, trong đó có việc ban hành Sổ tay hướng dẫn về Quản trị công ty; các biện pháp khuyến khích thị trường; từng bước hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty. Ông đánh giá thế nào về thực trạng QTDN đối với các DN Việt đang niêm yết trên sàn hiện nay?
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung: QTDN là khái niệm chúng tôi đã tiếp cận và triển khai tăng cường nhận thức cho các DN từ 4 năm trước đây, đến thời điểm này đã có tiến bộ nhất định trong nhận thức của DN về sự cần thiết, tác dụng cũng như thực tế của QTDN. Tuy nhiên, mặt bằng xuất phát QTDN ở Việt Nam khá thấp do đặc thù kinh tế đang chuyển đổi, đa số các DN cổ phần từ DNNN và một số các DN tư nhân phát triển lên từ DN gia đình. Thực tế, đây cũng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Đánh giá chung về mặt bằng thì QTDN ở Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực. Nhưng nếu so sánh với các DN trong nước, hiện nay có những DN làm rất tốt công tác này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều DNNVV chưa quan tâm đến QTDN.
Thông qua các đợt đánh giá trong 4 năm trở lại đây, chúng tôi thấy điểm trung bình của các DN được nâng lên nhưng tốc độ nâng rất thấp như hiện mới nâng lên được 58-60, trong khi đó, các nước trên thế giới đã đạt được 80-90/100 điểm như: Singapore hoặc Thái Lan.
Nhiều công ty sau khi lên sàn 1 thời gian thì bị phát hiện sai phạm. Có ý kiến cho rằng, nếu DN coi trọng kiểm toán nội bộ sẽ ngăn chặn được tình trạng này. Quan điểm của ông?
Tôi cho rằng, khi DN xảy ra khủng hoảng sẽ lộ ra gốc vấn đề là QTDN kém.
Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà đối với các quốc gia khác trên thế giới, QTDN đều bắt đầu từ các cuộc khủng hoảng, không chỉ khủng hoảng của một vài công ty mà khủng hoảng cả nền kinh tế. Do đó, các DN phải tìm nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng.
Trước đó, nhiều DN cho rằng, các chính sách, hoạt động công ty rất tốt. Vậy tại sao lại xảy ra khủng hoảng? Vì vậy, họ đưa ra các giả thuyết QTDN không tốt, có những vấn đề bị che giấu, scandal chưa được phát hiện? Từ đó, lộ ra những yếu kém, thiếu sót, vô trách nhiệm của những người lãnh đạo công ty. Lúc đó DN nhìn lại là chìa khoá để tháo gỡ vấn đề này và để không lặp lại là phải QTDN thực hiện tốt các vấn đề như: thành lập tiểu ban kiểm toán, thành viên quản trị độc lập, chính sách cơ chế giám sát HĐQT và điều hành ban quản lý DN…
Hiện nay, QTDN là chuẩn mực không bắt buộc. Nên chỉ có những DN lớn áp dụng, còn lại hầu hết các DNNVV chưa thực sự coi trọng. Theo ông, Việt Nam có nên luật hoá nguyên tắc này?
Chưa có nước nào trên thế giới áp dụng luật hoá nguyên tắc QTDN, vì đây là nguyên tắc tự nguyện, bởi nếu áp dụng thì công ty tốt, cổ đông sẽ đầu tư vào công ty nhiều hơn. Còn nếu không áp dụng DN phải chấp nhận rủi ro và có thể sụp đổ khi khủng hoảng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nên luật hoá một phần nguyên tắc của các nước OECD về QTDN như: phải tôn trong quyền cổ đông, nâng cao trách nhiệm HĐQT, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy hoạt động QTDN.
Còn những chi tiết cụ thể hơn như các điều luật nên để ở DN tự nguyện và sẽ báo cáo với cơ quan quản lý, bởi mỗi công ty có đặc thù ngành nghề kinh doanh và quy mô khác nhau. Từ đó, họ tự quyết định áp dụng cơ chế thực hiện cho phù hợp.
Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất là cưỡng chế thực thi mềm, nghĩa là đưa ra chính sách thưởng và phạt đối với các DN làm QTDN. Nếu làm tốt sẽ được giải thưởng, vinh danh còn kém có vấn đề sẽ được công bố trên thị trường để các nhà đầu tư có cái nhìn thực về DN
Hiện nay, HNX có áp dụng quản trị mềm không, thưa ông?
HNX đang áp dụng 3 giải pháp quản trị mềm, bước đầu có những hiệu quả nhất định. Thứ nhất, tuyên truyền rộng rãi, cũng như mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài trao đổi về các giải pháp QTDN tốt đang được áp dụng tại các nước hiện nay nhằm giúp DN nhận thức về sự cần thiết QTDN.
Thứ hai, hàng năm HNX tổ chức chấm điểm đối với các DN, nhưng hiện nay HNX mới dừng lại ở chỗ chấm điểm minh bạch thông tin. Dự kiến thời gian tới HNX sẽ chuyển sang chấm điểm về QTDN. Sau đó tiến hành vinh danh để đưa ra thị trường như hình mẫu để các DN học tập.
Thứ ba, phối hợp với các DN trong và ngoài nước xây dựng các tài liệu như nguyên tắc QTDN, xây dựng lộ trình và biện pháp QTDN với các công ty trong và ngoài chứng khoán, trong đó có các bài học về QTDN của các nước khác trên thế giới để DN Việt tham khảo và học tập.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bà Phạm Thị Thu Hằng- VCCI: DN vẫn lúng túng chậm phản ứng với thay đổi môi trường kinh doanh, đặc biệt là bối cảnh khủng hoảng tài chính. Hơn nữa, quá trình thực hiện nguyên tắc quản trị công ty ở Việt Nam chưa tốt. Nếu so sánh với các nước, nhất là các nước trong khu vực thì Việt Nam mới ở mức độ trung bình. Do đó, DN Việt Nam chưa tạo ra niềm tin và chưa đưa ra hiệu quả tốt trong kinh doanh. Sự yếu kém về quản trị cũng làm cho DN Việt Nam “chậm lớn”, đông về số lượng nhưng yếu kém về chất lượng”. Ông Vũ Bằng- Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước: Có thể thấy, trong những năm qua quy mô TTCK tăng trưởng không ngừng. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 43,2% GDP năm 2016 và 50,3% GDP vào tháng 3/2017, gấp trên 3 lần so với năm 2010 và trên 2000 lần so với năm 2000. Thị trường trái phiếu Chính phủ có tốc độ tăng bình quân 31%/năm. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK từ khi khai trương hoạt động đến nay đã đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng và huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp. Số lượng tài khoản giao dịch tính đến 31/12/2016 đạt 1,71 triệu tài khoản trong đó có 9.942 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức. |