Sống trên đất Thái
Giữ gìn và phát huy bản sắc Việt trên đất Thái Lan bằng những việc làm cụ thể là nét đặc sắc của cộng đồng người Việt tại Udon Thani. Không chỉ dạy tiếng Việt, cộng đồng người Việt tại nơi đây còn đoàn kết một lòng, dựa vào nhau cùng trụ vững nơi xứ người.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho cô giáo Nguyễn Thị Xuân Oanh.
Người cõng chữ Việt về đất Thái
Ở Udon Thani trẻ em không được sinh ra ở Việt Nam nhưng lại có thể nói được tiếng Việt là bởi ở đó có rất nhiều thầy cô, không quản ngại khó khăn, ngày ngày dạy tiếng Việt miễn phí cho cộng đồng người Việt nơi đây. Trong số những người “cõng” chữ sang Thái không thể không kể đến bà Nguyễn Thị Xuân Oanh.
Hơn 10 năm qua bà đã bền bỉ dạy học miễn phí cho người Việt nơi đây. Trẻ con học tiếng Việt nhiều hơn, yêu quê hương Việt Nam hơn là bởi sự nhiệt huyết của những thầy cô như cô Oanh.
Chia sẻ về quá trình tham gia dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều Thái, bà Xuân Oanh cho biết: “Tôi tham gia giảng dạy tiếng Việt cho Việt kiều từ năm 14 tuổi (1962). Đến năm 1976, các lớp học tiếng Việt ở Thái Lan phải tạm dừng. Mãi đến năm 2004, có dịp về TP Hồ Chí Minh, tôi mua được một số sách giáo khoa và quyết định mở lại lớp tiếng Việt ở tỉnh Udon Thani”.
Tuy nhiên, vì trẻ em người Việt Nam ở Thái Lan biết ít về Việt Nam nên bà đã phải biên soạn lại giáo trình để dạy cho các cháu. Lúc đầu, chỉ có vài cháu theo học. Sau này, nhiều phụ huynh biết đến lớp học nên đã gửi con em cho bà dạy. Nhiều phụ huynh tỏ ra vui mừng khi con, cháu của họ từ trước tới giờ chỉ biết đến tiếng Thái giờ đã đọc thông, viết thạo tiếng quê hương mình.
Nhưng, chỉ mình gieo chữ thì không đủ, còn rất nhiều trẻ em người Việt có nhu cầu học tiếng Việt. Phải có một ngôi trường cho trẻ học tiếng Việt, được chơi các trò chơi dân gian Việt Nam để từ đó tự hào về dòng máu Lạc-Hồng. Nghĩ sao làm vậy. Bà Oanh đã thuyết phục mọi người cùng góp của, góp công trong việc xây dựng một ngôi trường dạy tiếng Việt trên đất Udon Thani.
Tháng 1 vừa qua, Trường tiếng Việt Khánh An tại chùa Khánh An, Udon Thani chính thức khánh thành từ ý tưởng của bà Xuân Oanh. Bà đã thuyết phục được nhiều cựu giáo viên tình nguyện quay trở lại trường, bởi họ cũng có chung mối lo con em người Việt không biết tiếng Việt. Bà Xuân Oanh rất mừng vì ngôi trường ngày càng được quan tâm, ủng hộ.
Mọi người đều nhận ra việc dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều là rất quan trọng và cần thiết. Nếu lớp Việt kiều trẻ sau này mà không biết tiếng Việt thì nghĩa là sẽ không còn Hội người Việt Nam ở nước ngoài nữa…
Bà Oanh vui mừng chia sẻ: Chỉ trong vòng 4 tháng được thành lập, trường tiếng Việt Khánh An đã có những bước tiến đáng tự hào. Từ 28 học sinh, hiện tại trường có 14 giáo viên và khoảng 70 em học sinh được phân chia thành 9 lớp. Những câu hát, câu ca dao, tục ngữ về Bác Hồ, về truyền thống yêu nước được các em cất lên bằng tiếng Việt.
Hình ảnh bé gái mới 3 tuổi đọc rõ 5 điều Bác Hồ dạy hay câu nói khẳng định ‘cháu là người Việt Nam và cháu yêu đất nước Việt Nam’… theo bà Oanh đã khiến mọi người xúc động, nghẹn ngào.
Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh chia sẻ: “Việt kiều Thái Lan có truyền thống yêu nước, yêu Bác Hồ. Udon chính là mảnh đất mà Bác Hồ đã dừng chân trong một thời gian. Một nơi có bề dày truyền thống như vậy thế mà 40 năm qua, con cháu người Việt mang dòng máu Việt lại không biết tiếng Việt.
Đây là điều khó chấp nhận. Phải truyền dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ Việt Nam được sinh ra trên đất Thái. Tiếng nói, văn hóa của Việt Nam sẽ dẫn các cháu đến tình yêu quê hương đất nước và tự hào về quê hương Việt Nam của mình.
Giữ gìn văn hóa nguồn cội
Nói về cộng đồng người Việt ở trên đất Udon, ông Trần Minh Đức - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani, Thái Lan cho biết, cộng đồng người Việt tại Udon Thani luôn cố gắng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết. Đó là cộng đồng có tinh thần cách mạng và truyền thống yêu nước và thường xuyên có hoạt động hướng về quê hương, đất nước. Bằng chứng là mỗi khi đất mẹ gặp khó, những người con xa xứ đã góp tiền của chuyển về chia sẻ gánh nặng với những cảnh ngộ khó khăn trong nước.
Luôn hướng về nguồn cội nên cộng đồng người Việt ở đây đã góp của, góp sức để xây dựng lên những ngôi chùa Việt rồi Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự đóng góp này đã thể hiện tinh thần đoàn kết của các thế hệ người Việt nơi đây đồng thời để thế hệ người Việt không được sinh ra tại Việt Nam một lòng hướng về Tổ quốc.
Đánh giá về cộng đồng người Việt tại Udon Thani, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đây là cộng đồng tích cực, đoàn kết, có những hoạt động thiết thực với quê hương đất nước. Việc xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Việt cùng các lớp tiếng Việt hoạt động tốt đã cho thấy cộng đồng người Việt tại Udon Thani đang tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa của cội nguồn đất Mẹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam cũng cho biết, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa, lịch sử, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu nhân dân, sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và nhân dân hai nước.
Những ngôi chùa Việt được xây dựng trên đất Thái, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa với kiều bào mà với người dân sở tại cũng có ý nghĩa nhất định. Đây sẽ là một địa chỉ để cho nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như người dân Thái Lan đến tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh; phục vụ cho các hoạt động chung của cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tại Thái Lan.
Bày tỏ sự khâm phục những người bỏ công sức gieo chữ cho thế hệ trẻ, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đánh giá cao sự nhiệt tình, cố gắng của các giáo viên, học viên cũng như sự hỗ trợ của chùa Khánh An để các lớp học được tổ chức và đi vào hoạt động nền nếp. Theo ông Nam, các lớp học là điểm sáng, thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.