Khi thiên nhiên bị 'tận thu'

Xuyên Sơn 28/05/2017 09:50

Cảnh quan biến dạng, thiên nhiên bị xâm phạm bằng sự can thiệp thô bạo của các hạng mục, công trình, của sắt thép, xi măng vào thảm cây xanh, dòng suối, vạt đồi, sườn núi, mặt hồ… Đó là thực trạng phổ biến ở không ít điểm, nơi đang tự hào về tiềm năng cũng như đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh…

Những công trình xây dựng đồ sộ mọc lên đang làm xấu đi các điểm du lịch tâm linh trên lòng hồ Sông Đà.

Thiên nhiên cằn cỗi vì du lịch thiếu trách nhiệm

Một trong những ví dụ rõ nhất và cũng đáng tiếc nhất chính là thực trạng ở “thị trấn trong mây”, Sa Pa. Không gian khoáng đạt, rộng rãi, cảnh vật xanh tốt với sự hiện diện của cây, của đá, cùng những dáng nét kiến trúc cổ điển, truyền thống thể hiện qua nhà thờ đá, những biệt thự cổ, những ngôi nhà cũ… ở nơi này, đang dần mất đi.

Thay vào đó, có lẽ đã phải dùng đến cụm từ “mây trong một Sa Pa xi măng” để nói về mật độ xây dựng dày đặc với hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà ở cao tầng đồ sộ, chen chúc. Việc xây dựng tràn lan, buông thả về kiểu dáng, kích cỡ đã làm suy giảm vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú nơi này.

Cũng tương tự, chính là những gì đang diễn ra ở thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Nơi được coi là Sa Pa, là Đà Lạt của Vĩnh Phúc này cũng đang chật chội bởi các công trình đang xây dựng, đã hoàn thành, tạo nên sự đua chen lộn xộn về hình dáng, kiểu cách, màu sắc.

Những con dốc dài, nhỏ, những vạt cây xanh tốt, những cây cầu “mặt quỷ” độc đáo được xây dựng từ thời Pháp thuộc bắc qua dòng suối quanh co thanh mảnh của Tam Đảo giờ đã lọt thỏm trong rừng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Phải chăng không có quy định nào, sự giám sát nào, hay những góp ý, tư vấn, ngăn cản kịp thời đối với tình hình xây dựng tràn lan ở những vùng cảnh quan, khí hậu độc đáo này?

Nhiều năm trước, dư luận từng phẫn nộ với vụ việc một công ty đào bới bừa bãi, dựng lầu và cầu xi măng giữa lòng suối Giải Oan trong khu thắng tích Yên Tử, Uông Bí – Quảng Ninh, thì đến nay, không khó để gặp những chuỗi công trình bề thế “chiếm cứ” những không gian thiên nhiên đẹp, che khuất tầm nhìn, tạo ra sự thô cứng, lòe loẹt, giảm đi vẻ đẹp của những dáng nét tự nhiên cần được bảo toàn lâu bền.

Tình trạng rất nhiều nhà hàng nối tiếp nhau “ngăn” bãi biển, hạn chế đường xuống bờ biển của người dân cho đến nay vẫn tồn đọng trên con đường Trần Phú, TP Nha Trang – Khánh Hòa. Hoặc với trường hợp thác Yaly của Đà Lạt thì con thác vốn nhỏ nhưng nhiều năm qua đã bị o ép trong một không gian công viên hóa, bê tông hóa, cộng với tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Vẻ hoang sơ, nét lãng mạn nơi này đã bị đánh mất! Không chỉ dừng lại ở sự mất đi nét đẹp của một con dốc heo hút nào đó, một mỏm đồi, một bến nước, một hàng cây lớn…, sự chiếm lĩnh của quá nhiều hạng mục hạ tầng xây dựng, dịch vụ… đang đặt ra nguy cơ làm xấu đi cả cảnh quan tổng thể của một không gian rộng lớn, làm biến dạng cả “hình sông thế núi” vốn là vẻ đẹp đặc trưng, là niềm tự hào nhiều đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Du lịch phải nâng đỡ thiên nhiên

Lẽ dĩ nhiên, khi tiềm năng về thiên nhiên, về nhân lực, về văn hóa bản địa, về cơ sở vật chất địa phương… được phát huy vào hoạt động du lịch, thì cùng với đó phải là niềm vui cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, sự nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhưng từ khi nào, người ta coi thiên nhiên là nơi mặc nhiên phục vụ nhu cầu du lịch mà không lưu tâm đến sự bồi đắp, tái tạo cho thiên nhiên cũng như coi thường những yếu tố không được phép xâm phạm?

Những cố gắng hăng hái phát triển các công trình phục vụ ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí, mua sắm… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của đông đảo du khách, đi liền với sự thiếu đánh giá, cân nhắc, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, đã gặm nhấm không ngừng nghỉ vào cơ thể thiên nhiên. Khiến cho chính cơ thể thiên nhiên đang dần “đau ốm” trong sự vây bọc chằng chịt của những lớp “áo quần” ăn theo, bám vào thiên nhiên để sống.

Nguy hiểm hơn, không chỉ là sự thiếu hiểu biết, thiếu tôn trọng, vô tình vi phạm của các thành phần tham gia hoạt động du lịch, mà còn có sự cố ý, cố tình, bất chấp khi xâm phạm vào cảnh quan, vào sự ổn định, cân bằng của thiên nhiên. Phát triển du lịch theo kiểu “tận thu” thiên nhiên như vậy, sẽ gây ra hậu quả khôn lường là làm mất dần chính những cảnh đẹp mà vì đó du khách tìm đến.

Cũng như tạo ra một tương lai không bền vững khi cảnh quan biến dạng, thiên nhiên hoang hóa, các điều kiện tự nhiên suy giảm, sự tái tạo của thiên nhiên không kịp với nhịp độ tiêu dùng, hưởng thụ, tàn phá… Và đương nhiên, hoạt động du lịch sẽ bị suy giảm, cùng với những hệ lụy khác nữa về mặt xã hội, sức khỏe, điều kiện sinh sống.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch và các địa phương nơi đang đẩy mạnh, đang bước vào khai thác, phát triển du lịch, rất cần đẩy mạnh đánh giá, phân tích, đưa ra những mức độ, ranh giới trong việc khai thác thiên nhiên phục vụ hoạt động du lịch.

Cần công bố rộng rãi những kết quả nghiên cứu, những thông số, mô hình cụ thể để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch căn cứ vào đó mà tham khảo, điều chỉnh, hạn chế trong các hoạt động của mình.

Đặc biệt, trước khi ý thức tự giác được phát huy, từ lúc này đã cần sự can thiệp mạnh mẽ của cơ quan chức năng các địa phương về du lịch, tài nguyên môi trường, văn hóa, quy hoạch – kiến trúc – xây dựng… Cần xây dựng các quy định, chế tài cụ thể nhằm nâng cao việc kiểm soát hoạt động xây dựng, dịch vụ tại các điểm du lịch, khu danh thắng, cũng như định hướng các hoạt động này trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả khu vực, cả vùng.

Các quy định, quy hoạch này, đương nhiên, phải được xây dựng trên quan điểm tôn trọng thiên nhiên, phòng chống việc gây ra những tác động làm biến dạng cảnh quan, ô nhiễm môi trường thiên nhiên sở tại. Đồng thời phải yêu cầu cao về trách nhiệm tôn tạo, củng cố, chăm sóc lâu dài cảnh quan thiên nhiên trong phát triển du lịch.

Tham dự, góp ý, phản biện vào đó, không chỉ là công việc của các cơ quan quản lý, hoạt động du lịch hay các nhà quy hoạch, mà rất quan trọng, phải có các kiến trúc sư, họa sĩ, các chuyên gia nghiên cứu môi trường, chuyên gia văn hóa và người dân sở tại.

Thiên nhiên đang kêu cứu trước thói du lịch và làm du lịch vô trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn con người, tận dụng máy móc, phương tiện để khai thác, “ra lệnh” và áp đặt.

Biến đổi tình thế theo hướng ngược lại, tôn trọng, tái tạo, có liều lượng để đảm bảo giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên lâu dài, đó cũng chính là cách để du lịch phát triển bền vững và con người được hưởng lợi lâu dài từ thiên nhiên, một cách hưởng lợi bình đẳng, nhân văn. Hủy hoại thiên nhiên cũng chính là hủy hoại du lịch và chính mình!

Xuyên Sơn