Đừng sợ đổi mới
Trong buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sắp tới Bộ sẽ triển khai thí điểm bỏ cơ chế công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra”. Chủ trương này lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.
Lâu nay dư luận xã hội vẫn đề cập vấn đề thu nhập của giáo viên thấp, đời sống giáo viên khó khăn. Đối với bản thân người đứng đầu ngành giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ như ông nói thì đó cũng là “món nợ” mà ông cảm thấy day dứt.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông cho rằng sẽ rất khó có thể tạo ra sự thay đổi nếu cứ mãi bó buộc trong đồng lương công chức, viên chức (đã được quy định chung). Nhưng để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay.
Song nhất thiết phải tạo ra một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của giáo viên được thể hiện qua thu nhập, là việc cần phải làm.
Đứng ở phương diện phụ huynh tôi cho rằng để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ.
Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục. Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.
Với mong muốn con em mình được học tập dưới sự dạy bảo của những giáo viên tích cực, nỗ lực chứ không phải là “dạy cho xong, đến tháng lãnh lương”, bản thân tôi ủng hộ chủ trương đổi mới này.
Chắc chắn mô hình giáo dục chuyển từ biên chế sang hợp đồng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất vẫn là sự đồng thuận từ phía giáo viên.
Nhiều giáo viên cũng đặt vấn đề kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng, khi hiệu trưởng được giao quyền tuyển dụng và quản lý nhân sự bằng cơ chế hợp đồng. Nhưng đừng sợ đổi mới. Bất kể vị hiệu trưởng nào cũng sẽ không làm khó được những người tài.
Nếu chính sách này được triển khai, việc tuyển dụng và quản lý nhân lực trong ngành giáo dục sẽ được vận hành theo quy luật của thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc, giáo viên - người lao động sẽ phải lo phấn đấu để tự bồi dưỡng, hoàn thiện năng lực để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng - nhà trường. Ngoài ra, chính sách này còn được cho là sẽ góp phần hạn chế tiêu cực trong ngành giáo dục.