Nỗi đau của Voọc chà vá
Trưa 27/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm bán đảo Sơn Trà của TP Đà Nẵng như một người bình thường. Sơn Trà được biết đến bởi ở đây đang tồn tại các bầy đàn voọc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm. Không nơi nào trên thế giới, người ta có thể nhìn ngắm chiêm ngưỡng loài đặc hữu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng từ khoảng cách rất gần như ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà của TP Đà Nẵng.
Vọoc chà vá chân nâu trên hoa vàng ở Sơn Trà (Ảnh: Dương Thanh Tùng).
Hàng năm, bắt đầu từ tháng 4 quanh Sơn Trà ở độ cao 200m tính từ mép biển trở lên, bạt ngàn sắc hoa vàng, hoa tím. Trên các cành cây hoa vàng, hoa tím là những bầy Voọc chà vá chân nâu kiếm ăn theo tập tính.
Voọc cũng như người, mê mẩn với hoa, với thiên nhiên tuyệt đẹp, với nắng sớm, mưa chiều cùng sóng biển du dương. Nếu như vào mỗi sáng, Voọc thường bay nhảy đón nắng thì vào cuối buổi chiều chúng có thể cùng nhau ngồi bất động hàng giờ đợi những tia nắng cuối cùng khuất lịm sau dải mây mờ của dãy núi Hải Vân.
Bộ lông ngũ sắc, khuôn mặt và đôi mắt vời vợi ưu tư nhưng cũng rất đỗi tinh nghịch của loài linh trưởng đặc hữu này khiến bất cứ ai được ngắm nhìn chúng dù chỉ một lần trong cảnh sắc thiên nhiên Sơn Trà phải say lòng, mê đắm…
Là người say mê chụp ảnh Voọc chà vá chân nâu, kể từ khi sườn Tây - Nam bán đảo này bị một dự án có tên gọi Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa phá nát; tôi cũng như rất nhiều nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên Sơn Trà có thói quen trèo lên một ngọn cây ở độ cao 200m nhìn xuống sườn đất nham nhở sát mép biển.
Ở đấy, trên các ngọn hoa vàng là bầy Voọc không còn hồn nhiên nữa. Có lúc cả bầy Voọc- từ con đầu đàn đến chú Voọc con vừa lọt lòng cùng quay lưng vào núi, đau đáu nhìn xuống bãi đất đỏ au do bị đào xới.
Cũng có lúc, bầy Voọc quay mặt nhìn chăm chú vào người đang quan sát chúng như muốn hỏi chuyện gì đang xảy ra. Sơn Trà đã và đang bị các dự án khách sạn, resorts thôn tính.
Các dự án thi nhau triển khai, xây dựng- kể cả xây dựng không phép, trong khi loài Voọc chà vá chân nâu và loài khỉ không có tên trong danh sách “bố trí tái định cư” hay “đền bù thiệt hại”.
Có mặt thường xuyên ở Sơn Trà, chúng tôi ghi nhận, từ mép biển trở lên độ cao 200m quanh bán đảo Sơn Trà là nơi quần cư của khoảng vài chục bầy Voọc chà vá chân nâu với chừng 300 cá thể, nhưng thật trớ trêu, có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, resorts ở Sơn Trà lại cho rằng từ cốt 200 trở xuống, không có Voọc chà vá chân nâu!
Buổi trưa ngày 27/5, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng ông Nguyễn Sự- nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, người có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, kiến trúc Hội An dừng chân ở khu đất có tổng diện tích 142,1 ha dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa; bầy Voọc chà vá chân nâu cũng kéo ra ngồi trên các ngọn cây hoa vàng nhìn xuống.
Hoa vàng không còn nữa, cây chỉ toàn lá xanh và hằn rõ trên màu xanh ấy là màu đất bị cào xới lở loét của một dự án có đến 40 móng biệt thự xây trái phép.
Việc dừng chân của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà củng cố niềm tin đối với người dân TP Đà Nẵng và với bất cứ ai yêu quý thiên nhiên về sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của bản Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang gây nhiều phản ứng.
Voọc chà vá chân nâu sinh sống phía trên DA Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa có cá thể tăng đột biến từ những ngày giữa tháng 5. Là loài linh trưởng tiến hóa, mỗi bầy đàn Voọc chà vá chân nâu có sinh cảnh sống riêng. Xung đột sẽ xảy ra khi bầy đàn này xâm hại sinh cảnh sống, kiếm ăn của bầy đàn khác.
Tuy nhiên tác động của con người thông qua việc tiêm hóa chất diệt dây bìm, làm khô héo nguồn thức ăn, triệt tiêu thảm thực vật ở khu vực rừng tiếp giáp với tuyến đường Yết Kiêu của phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), đã buộc bầy đàn trên 10 cá thể ở đây phải di chuyển lên cao hơn, hòa nhập miễn cưỡng với từ 1 đến 2 bầy đàn sinh sống ở đây.
Voọc chà vá chân nâu đang đứng trước một tương lai không sáng sủa khi mới đây, đại diện Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam)- đơn vị thực hiện đề tài cấp Nhà nước diệt dây bìm leo ở Sơn Trà tuyên bố, quá trình tiêm hóa chất trừ cỏ vào dây bìm leo không có nghiên cứu, đánh giá tác động đối với Voọc chà vá chân nâu.
Sơn Trà mất 1/4 diện tích từ hơn 40 năm qua. Trong khi câu trả lời về trách nhiệm khiến diện tích rừng Sơn Trà suy giảm chưa có hồi kết thì trên chiều dài hàng chục cây số sườn Đông - Nam bán đảo này đang tồn tại các dự án bị đình trệ với đầy rẫy biệt thự xây dở dang, hoang phế. Tất cả các dự án đều nằm dưới cốt 200 (200m tính từ mép biển trở lên), từng là sinh cảnh sống của các bầy đàn Voọc chà vá chân nâu.
Voọc chà vá chân nâu không chỉ đối mặt từng ngày với sự xâm hại là suy giảm diện tích, sinh cảnh sống, nguồn thức ăn mà còn có gì đó thật khó hiểu- khi bị “kê khống” số lượng lên đến 1.335 con với 237 bầy đàn.
Số liệu được công bố bởi một tổ chức phi chính phủ vào những ngày trung tuần tháng 5-2017, đã khiến ngay cả người đứng đầu lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng phải bất ngờ.
Chưa có phương pháp tối ưu nào xác định số lượng Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà. Tuy nhiên các nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh loài đặc hữu này, có mặt thường xuyên ở Sơn Trà thì hiện nay loài đặc hữu trong danh mục bảo tồn vô điều kiện này chỉ vào khoảng trên 250 cá thể với vài chục bầy đàn.
Gần như bầy đàn nào qua các bức ảnh cũng có Voọc con nhưng số lượng cá thể không hề tăng mà có chiều hướng suy giảm đang thực sự là mối lo ngại lớn đối với giới bảo tồn.