Lá mồng 5

29/05/2017 12:04

25 tuổi, đã bao lần được cùng mẹ sốt sắng chuẩn bị lá thuốc Nam cho ngày mùng 5 (ngày tết Đoan ngọ) hằng năm. Thế nhưng, với tôi cái cảm giác ấy chưa bao giờ là xưa cũ. Năm nào cũng vậy, chừng một tuần trước khi đến ngày mùng 5 là trong người lại nao nao đến lạ, cứ hỏi chừng mẹ mãi: “Khi nào mẹ đi cắt lá mùng 5 mẹ nhắc con với nghe mẹ!”.

Lá mùng 5.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần đi cắt lá cùng mẹ nhiệm vụ của tôi là xách theo cái bao tải to thiệt to đứng cạnh mẹ để mẹ cắt lá bỏ vào. Ngày đó chưa biết nhiều về lá thuốc Nam, thấy mẹ cắt lá gì cũng bất ngờ, há hốc: “Lá này mà cũng uống được hả mẹ?” Mẹ cười, bảo: “Lá nào mẹ cắt cũng đều uống tốt hết. Đây đều là những vị thuốc dân gian, lúc mẹ còn bé bà ngoại đã dẫn mẹ theo và chỉ cho mẹ. Bây giờ mẹ chỉ lại cho con biết để sau này mà dùng.”

Đúng như lời mẹ, năm nào cũng đi cắt lá mùng 5 cùng mẹ đến bây giờ các loại lá có thể làm thuốc tôi đã biết được rất nhiều, không cần đi với mẹ cũng có thể cắt được. Nhưng không, con gái vẫn thích đi cùng mẹ.

Năm nào mẹ cũng chuẩn bị thật nhiều lá để uống hết một năm trời. Lá mùng 5 có rất nhiều loại và mỗi vùng cũng có khác nhau một chút. Quê nhà tôi hay cắt các loại lá có sẳn trên sườn đồi sau nhà như: lá vằng, cây sim, ổi sẻ, me răng, lá dung, đinh lăng, cây móc, lá gối (vối), cam thảo đất, dủ dẻ, bầu đường, dây gai trinh nữ (gai xấu hổ)… còn rất nhiều loại khác nữa.

Mỗi năm cứ đến độ này, các bà, các mẹ, các chị ai dù bận bịu việc đồng án đến đâu cũng phải kiếm cho được dăm ba nia lá mùng 5 để đúng giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 (Âm lịch) là đem ra phơi rồi bọc kỹ đem cất để dùng dần.

Sở dĩ, người ta đem lá ra phơi vào giờ này là vì trong giờ Ngọ ngày này mặt trời toả nắng tốt nhất trong năm, dương khí cũng tốt nhất nên dân gian quan niệm con người ra ngoài vào giờ này sẽ chữa được các bệnh ngoài da, lá cây nếu hấp thụ được nắng này có tác dụng chữa bệnh, xông giải rất tốt.

Và cái hơn hết, tôi nghĩ rằng người ta thích cái mùi thơm tho của lá cây xông lên từ ngoài sân vào tận trong nhà mà ý nghĩa nhất là trong ngày Tết Đoan ngọ này.

Lúc đi làm, rảo mắt nhìn hai bên đường, nhà nào cũng chuẩn bị lá mùng 5 tươm tất. Dần xuống phố thì lượng lá ít hơn, do nhà cửa phố phường không nhiều cây lá để hái, người thành phố thường đi mua lá trước mùng 5 vài ngày, các bà, các mẹ trên quê tôi trong những ngày này ngoài việc chuẩn bị lá cho nhà mình còn làm thêm vài bao để đem ra chợ, xuống phố bán.

Các loại lá được chặt khúc, rửa sạch phơi khô rồi đem bán, cũng có người để nguyên cành lá theo nhu cầu của khách. Vì thế mà cận kề Tết Đoan ngọ khắp đường, nhà nhà đều có mùi thơm của lá thuốc Nam.

Năm nay hai mẹ con chuẩn bị được nhiều lắm, mẹ nói: “Mấy tời (bao) này cũng đủ uống cho cả năm.” Chuẩn bị lá xong, lại tiếp tục chuẩn bị gạo nếp, lá chuối để gói các loại bánh: Bánh ít, bánh tét,… đó là thú vui và có thể gọi là cái lệ của gia đình tôi – Không năm nào thiếu cả. Mẹ thường nói con cái đi học, đi làm lâu mới về nên mẹ chuẩn bị cho chúng tôi về ăn tết rồi còn mang theo làm quà.

Ngoài các loại bánh dân tộc, ngày này mẹ còn chuẩn bị nhiều thứ như trái cây: nhãn, xoài, vải, chôm chôm; làm thịt vịt, thịt gà… để trước thì cúng ông bà tổ tiên, sau thì cho con cháu sum họp ăn uống, vui chơi sau những ngày lao động, học tập ở xa mới về.

Chính những cái đơn giản như vậy đã làm cho không khí của vùng quê nghèo như quê tôi lại rộn ràng hẳn lên trong dịp này. Đây là tục lệ có từ lâu đời của người dân Việt Nam, mặc dù tết Đoan ngọ là ảnh hưởng từ văn hoá Trung Hoa nhưng khi du nhập vào Việt Nam nó đã mang nét riêng của văn hoá Việt là cái riêng của dân tộc Việt, do người Việt “uốn nắn” mà nên.

Nói đi cũng phải nói lại, cái tôi khoái nhất vẫn là lá mùng 5 đem nấu nước uống. Dân ta ngày nay nếu nhà khá giả, có điều kiện thì dùng các loại trà hảo hạng, còn không thì quay lại với cái dân dã, mộc mạc nhất là nước lá mùng 5.

Hầu như nhà nào cũng có thói quen và dần dần thích uống loại nước này, bởi nhiều người cho rằng trà ngon, trà hảo hạng thì mắc tiền lại khó mua được đúng loại mình thích, thậm chí nếu không sành thì có khi lại “tiền mất, tật mang” còn lá mùng 5 vừa dễ mua, mềm giá mà lại có tác dụng chữa bệnh nữa.

Bản thân tôi lớn lên, ra ngoài công tác rồi ăn uống quán sá cũng nhiều, mà mỗi lần vào quán ăn xong chủ quán mời một ly nước lá thì lại thích vô cùng: “Cái vị chát chát, cái mùi thơm thơm ni mới đúng cái “gu” của cô gái nhà quê chuộng nước lá như tôi này!” Và nhiều lần sau cứ đi ăn ngoài là lại chọn quán đó.

Nhiều người thấy vậy bảo tôi giống bà già xưa. Nói thật, khi nghe vậy tôi tự hào vô cùng vì điều đó, bởi tôi yêu say đắm cái già dặn, cái quê mùa, cái mộc mạc mà gia đình, làng quê đã tô vẽ vào tâm hồn tôi.