Quỹ Bảo hiểm xã hội và gánh nặng tuổi nghỉ hưu
Bộ Tài chính vừa có dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc rà soát, hoàn thiện hệ thống BHXH, BHYT, BHTN và thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước mở rộng đối tượng tham gia. Theo đó, việc đề nghị xem xét tăng tuổi hưu và tăng mức đóng BHYT là hai vấn đề nóng bỏng được đề cập trong Dự thảo.
Phần lớn người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2015-2017, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 130 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995. Phần kinh phí ngân sách phải đóng BHXH cho người lao động (LĐ) có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 hơn 22.000 tỷ đồng, Quốc hội đã giao Chính phủ bố trí ngân sách chuyển trả hàng năm từ nay tới năm 2020.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 20 năm tới, Quỹ BHXH vẫn bảo đảm khả năng cân đối. Nhưng với điều kiện phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH; tốc độ tăng lương tính đóng BHXH bình quân 10%/năm (như giai đoạn 2010-2016); lộ trình tăng lương (cả lương cơ sở và lương hưu) bình quân 7%/năm thì vấn đề trên đang cần phải nghiên cứu lại. Về lâu dài, theo một số chuyên gia, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH, như: Tình trạng chậm, nợ đóng BHXH ngày càng tăng…
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép bộ này chuyển đổi hơn 22.000 tỷ đồng ngân sách phải chuyển cho Quỹ BHXH thành trái phiếu Chính phủ. Trong đó, năm 2018, chuyển 6.000 tỷ đồng thành trái phiếu, năm 2019 chuyển đổi 6.000 tỷ đồng và năm 2020 chuyển đổi 10.090 tỷ đồng. Vì hiện Quỹ BHXH cũng đầu tư lớn vào trái phiếu, nên việc chuyển đổi trên tương tự việc quỹ này mua trái phiếu. Trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện chuyển đổi 324.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước vay Quỹ BHXH sang hình thức trái phiếu Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đề xuất Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, đề xuất mức độ, đối tượng, lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp thực tế Việt Nam và xu hướng chung của thế giới. Do Việt Nam sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số, lao động trẻ sẽ thiếu trong tương lai; thực tế nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu và sức khỏe để làm việc thêm. Ngoài ra, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tận dụng được lao động có kinh nghiệm, trình độ.
Cần cân đối quỹ BHXH
Trước đó, cũng vì lý do để ổn định Quỹ BHXH, trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. Với lộ trình mỗi năm tăng tuổi hưu thêm 6 tháng, tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Tuy nhiên dù trải qua hai lần lấy ý kiến việc tăng tuổi nghỉ hưu vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Trao đổi với báo chí mới đây về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, thời điểm này chúng ta chưa thể tăng tuổi làm việc lên đối với lao động nói chung và đặc biệt đối với những người chuẩn bị nghỉ hưu. Nguyên nhân do thể trạng người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung chưa cho phép kéo dài tuổi làm việc.
Cũng theo ông Thọ, mới đây Viện Công nhân và Công đoàn đã có cuộc khảo sát ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam với trên 5.000 phiếu hỏi. Với câu có muốn làm thêm sau 60 tuổi đối với đàn ông và sau 55 tuổi đối với phụ nữ không? thì 90% trả lời rằng, họ xin được nghỉ đúng tuổi, họ không thể làm thêm được nữa và cũng không muốn làm thêm nữa. Đặc biệt trong số 90% đó có khoảng gần 30% nói rằng, họ còn muốn nghỉ sớm hơn, họ muốn được nghỉ hưu và nhận tiền BHXH sớm hơn ở tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ.
Ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nguồn thu chi ngân sách, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng có thể được ghi nhận. Nhưng chúng ta cần phải cân nhắc và có những đánh giá phù hợp, không thể vì những lo xa trong phòng “lạnh” mà đè gánh nặng ấy lên người lao động. Bởi nhìn vào thống kê hàng năm, hàng quý trong thời gian gần đây của Bộ LĐTB&XH sẽ thấy mỗi năm cả nước vẫn còn hơn 200 nghìn cử nhân, cao đẳng thất nghiệp. Đó là chưa kể đến lực lượng thanh niên ở các khu đô thị, nông thôn. Điều này cho thấy nguồn nhân lực nước ta vẫn rất “dồi dào”, chưa sử dụng hết, nếu tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với việc tăng áp lực rất lớn lên việc làm cho người lao động.
Đề cập đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối quỹ BHXH, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, Quỹ BHXH và tăng tuổi nghỉ hưu là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, không thể lấy nhiệm vụ này ràng buộc sang nhiệm vụ kia. Nhiệm vụ quản lý quỹ là của cơ quan BHXH. BHXH được Nhà nước giao cho nhiệm vụ trông coi, quản lý quỹ. Người lao động nộp đủ không thiếu đồng nào khi người ta trẻ khỏe thì phải trả lại cho người ta khi người ta về hưu. Do đó không thể lấy lý do bội chi để tăng tuổi nghỉ hưu.
Thực tế trong dự thảo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ trong 20 năm tới, Quỹ BHXH vẫn bảo đảm khả năng cân đối, nhưng với điều kiện phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia BHXH; tốc độ tăng lương tính đóng BHXH bình quân 10%/năm (như giai đoạn 2010-2016)… Do đó bên cạnh giải pháp dài hơn tăng tuổi nghỉ hưu thì trước mắt ngành BHXH cũng cần có những giải pháp đột phá hạn chế tình trạng nợ đọng để từ đó thu hút người lao động tham gia BHXH.