‘Sốc phản vệ nhưng chắc phải do gặp yếu tố bất thường với hệ thống’
PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, bà đã trao đổi với nhiều đồng nghiệp ở một số bệnh viện. Sự cố 18 người cùng lúc bị chưa từng có xảy ra trước đây.
PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan.
“Nói việc nhiều người cùng sốc như này mà là do rủi ro thì không hợp lý vì rủi ro không thể xảy ra cùng lúc với từng đó người. Theo tôi, trong sự cố này, không loại trừ khả năng việc vệ sinh ống, hệ thống máy chạy thận, nguồn nước hay các hóa chất kháng khuẩn... được sử dụng có vấn đề. Chưa kết luận gì về việc này nhưng chúng tôi nghi ngờ về khả năng đó” - đại biểu Phong Lan nói.
Đại biểu Phong Lan cũng nhận định, phán đoán nguyên nhân do thuốc được sử dụng trong chạy thận khó thuyết phục vì mỗi bệnh nhân được sử dụng một loại thuốc khác nhau vì mỗi người sẽ có những vấn đề khác nhau cần xử lý. Nếu có xảy ra phản ứng với thuốc thì cũng chỉ lẻ tẻ, trên những cơ địa nhất định.
Vấn đề ở đây, theo bà Lan, xảy ra với đồng loạt 100% bệnh nhân như thế, chắc chắn có vấn đề về xử lý hệ thống máy chạy thận.
“Theo tôi biết, các bệnh viện trong TP HCM, kể cả bệnh viện quận cũng đã có điều kiện thực hiện biện pháp chạy thận và đó là cứu cánh cho bệnh nhân. Trước đây, khi chưa thực hiện được kỹ thuật này, người bệnh một khi thận đã suy rồi thì chỉ có chờ chết còn bây giờ, việc chạy thận cứu được rất nhiều người, duy trì được sự sống cho rất nhiều người”.
Hiện, tại các bệnh viện ở TP HCM, không khí lo lắng cũng phổ biến. Sở Y tế đang cho rà soát tất cả các quy trình chạy thận ở các cơ sở. “Không ai muốn rủi ro đó xảy ra nhưng vấn đề là phải quản lý rủi ro thế nà và đánh giá phản ứng đối với việc cấp cứu cho bệnh nhân để rút kinh nghiệm chung. Đây cũng là một vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội muốn chất vấn với Bộ Y tế kỳ này” - bà Lan nói.