Có mô hình hiệu quả mới thuyết phục được người dân tham gia HTX

Quốc Định 30/05/2017 17:45

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, để công tác tuyên truyền, vận động tham gia HTX, tỉnh Bình Dương cần làm những mô hình điểm hay, hiệu quả, để từ đó mới có sức lan tỏa, mới có tính thuyết phục nhằm vận động người dân tham gia HTX.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 30/5, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có buổi kiểm tra, nắm tình hình triển khai tổ chức thực hiện và sơ kết thi hành Luật HTX tại tỉnh Bình Dương.

Tham gia cùng đoàn công tác còn các có đại diện: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, số HTX được thành lập mới (từ năm 2013 đến cuối năm 2016) của tỉnh là 43 HTX; số HTX đã giải thể là 69 HTX.

Tính đến 31/12/2016, tỉnh Bình Dương có 85 HTX, giảm 34 HTX so với thời điểm 1/7/2013. Số lao động làm việc trong khu vực HTX là 7.514 người. Thu nhập bình quân 12,5 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân của HTX khoảng 360 triệu đồng/HTX/năm.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, “HTX nào hoạt động mạnh, có hiệu quả, chúng tôi tạo điều kiện, hỗ trợ để phát triển, những đơn vị nào làm ăn không hiệu quả thì giải thể, hoặc chuyển qua mô hình khác phù hơn.”.

Ông Liêm cho rằng nhu cầu về thành lập HTX ở tỉnh Bình Dương hiện rất ít, lý do hiện nay Bình Dương phát triển công nghiệp nhiều, mà công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Liêm kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập, vì các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào được ưu tiên, thì HTX cũng cần phải được ưu tiên.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương cho hay, hàng năm địa phương này đều có các tuyên truyền cho bà con về HTX. Tuy nhiên, hiện các HTX nông nghiệp ở tỉnh Bình Dương hiện hoạt động cũng khó khăn, hầu hết HTX nông nghiệp ở tỉnh chỉ hoạt động dịch vụ, nhiều hộ nông dân họ không muốn vào HTX vì nhu cầu họ chưa có.

Cũng đề cập về những khó khăn trong việc triển khai HTX ở tỉnh, ông Trần Văn Thấy, Chủ tịch Liên Hợp tác xã tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện nay rất khó vận động được người dân vào HTX, chỉ ở những xã nông thôn mới mới dễ vận động.

Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương kiến nghị cần nhìn nhận rằng, thành phần kinh tế tập thể mà nòng cốt là thành phần yếu thế, vì vậy Chính phủ cần quan tâm và chỉ đạo các Bộ, ngành sớm triển khai các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng… cho khu vực kinh tế tập thể. Cần có chính sách giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai. Một số lĩnh vực ưu đãi khác như chính sách hỗ trợ khoa học - công nghệ, hỗ trợ cơ sở vật chất…cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ông Bùi Nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, tình trạng ở một số nơi, người nông dân không bán được sản phẩm của mình làm ra, thậm chí có tình trạng đổ sữa ra đường. Theo ông Nghị, hầu hết là những người nông dân không vào hợp tác xã.

“Mà DN không mua là đúng, vì đâu có thể biết được nguồn gốc sản phẩm đó từ đâu, chất lượng thế nào, làm sao có thể kiểm soát được về chất lượng? Điều đó ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của họ. Do vậy, làm kinh tế thị trường cần phải có tổ chức, có liên kết để đảm bảo về giá, về đầu ra cho người nông dân, do vậy việc vào HTX là hợp lý, tránh được tình trạng được mùa mất giá” - ông Nghị nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định chủ trương phát triển HTX là chủ trương hợp lý trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, bởi HTX sẽ giúp các thành viên, giúp cho người nông dân nhiều vấn đề quan trọng như: giá cả, thị trường, vốn, kỹ thuật.

Đánh giá về công tác phát triển HTX của tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, tỉnh Bình dương đã chuyển đổi được các đơn vị làm ăn hiệu quả vào HTX, bên cạnh đó thành lập được nhiều HTX mới, diện hoạt động khá rộng, điều đó chứng tỏ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc này. Trước khi có Luật HTX Bình Dương đã có một nền tảng HTX có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, hiện tỉnh Bình Dương đang còn thiếu những chính sách hỗ trợ HTX. Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng đồng ý với quan điểm, việc vào HTX phải dựa từ nhu cầu thực tế, không nên ép, hay làm theo hình thức, theo phong trào.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, để công tác tuyên truyền, vận động tham gia HTX, tỉnh Bình Dương cần làm những mô hình điểm hay, hiệu quả, để từ đó mới có sức lan tỏa, mới có tính thuyết phục nhằm vận động người dân tham gia HTX. Ở Bình Dương có có những thế mạnh, có những sản phẩm riêng của mình để làm điều đó. Đặc biệt là lãnh đạo tỉnh cần có những chính sách, những hoạt động hỗ trợ về nhiều mặt để HTX của tỉnh phát triển bền vững.

Đối với các cơ quan có chức năng giám sát cần tăng cường vai trò giám sát của mình về việc thực hiện đúng luật HTX, giám sát việc đảm bảo lợi ích cho các thành viên HTX…

Trước đó, tại thị xã Bến Cát, đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ một số HTX của tỉnh Bình Dương. Tại đây, đại diện các HTX kiến đã có nhiều kiến nghị để hoạt động HTX được thuận lợi, như: vấn đề vay vốn, thị trường, cơ cấu nhân sự, thành viên của HTX. Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cùng các thành viên đoàn công đã ghi nhận những đề xuất của các doanh nghiệp trên.

Quốc Định