Không thể dứt bỏ tình yêu
Về nguyên lý mà nói, người ta chỉ yêu nhau khi có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Nhưng oái oăm là ở chỗ, lắm khi ta không thể nào xóa bỏ được trong trái tim ta tình yêu mà ta dành cho người đang khiến ta đau khổ khôn nguôi.
Minh họa: I.T.
1. Nhà văn Xôviết Konstantin Simonov (1915-1979) khi về già đã có lần tự nhận rằng, ông chỉ cảm thấy mình là nhà thơ khi còn trẻ. Bởi chỉ khi đó ông mới dám xả thân vì ý trung nhân, vì những cảm xúc yêu đương. Vì chỉ khi ấy, ông mới bị dằn vặt và day dứt bởi vì một tình yêu buồn nhiều hơn vui. Đó là khi ta dù nhìn thấy rất rõ cả những điểm yếu của người mình yêu nhưng vẫn không thể nào rũ bỏ nàng được. Và ông đã viết:
“Tôi buồn và nhớ quá
Giá tìm được ai kia
Giống hệt như em ấy
Để khỏi quay trở về.
Nhưng tìm đâu ra tay
Giống hệt đôi tay đó
Để trong cảnh chia ly
Tôi thấy buồn và nhớ?
Tìm đâu ra đôi mắt
Biết như em giận hờn
Chỉ vô cùng thi thoảng
Giọt lệ dâng nỗi buồn?
Tìm đâu ra cái miệng
Biết hát, cười như em,
Để suốt đời tôi lo
Nhỡ đâu nàng lỡ hẹn?
Tìm đâu người mà ta
Luôn thứ tha mọi nỗi
Để bên nàng vẫn sợ
Chỉ tạm thời vậy thôi.
Để sau mỗi đêm trắng
Trở dậy đón ngày sang
Ta như bị vắt kiệt
Cũng giống hệt như nàng.
Để mắt soi ánh mắt
Giữa thao thức đêm sâu
Yêu trong nàng tất cả
Cặp tâm hồn khác nhau.
Sáng không biết rằng tối
Mọi sự sẽ ra sao?
Với ta, nàng sẽ xử
Theo lệnh tâm hồn nào?
Và khốn khổ cùng nàng
Không biết làm chi ổn,
Tôi từng muốn tìm ai
Khác nàng đơn giản sống.
Nhưng muốn để người khác
Có thể thay thế nàng,
Thì cô ấy cũng sẽ
Phải giống nàng y chang.
Nhưng nàng vô giá thế,
Độc địa thế - than ôi
Trong khắp cõi vũ trụ
Không có người thứ hai!”
Theo các giai thoại được lưu truyền, Simonov dành tặng bài thơ trên cho nữ diễn viên Valentina Serova, một người đàn bà tài sắc nhưng cực kỳ đa đoan. Chính Serova đã là nguồn cảm hứng để vào giữa năm 1941, khi bùng nổ cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, Simonov đã viết nên khúc tuyệt tình ca bất hủ “Đợi anh về”. Người đàn bà này đã giúp Simonov cảm thấy cực đỉnh của hạnh phúc nhưng cũng khiến ông không chỉ một lần sa xuống vực thẳm cuả niềm tuyệt vọng… Cuối đời, trước phút lâm chung, Simonov đã viết khi tưởng nhớ về Serova: “Dù anh rủa nguyền khoảnh khắc đã đưa em tới với anh, Nhưng anh vẫn mãi tụng ca giây phút đó…”
2. Đang yêu nhau mà xử sự đẹp thì là chuyện tất nhiên rồi (có mà hoá dại mới làm ngược lại!) Nhưng khi chia tay mà vẫn đàng hoàng tình cảm, chứ không “đá thúng đụng nia” thì là việc mà những người trần mắt thịt như chúng ra không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không cố gắng thử giữ đúng nhân cách và phong độ của mình ngay cả trong những thử thách bi thiết nhất. Và nếu ta thực sự tử tế thì chắc ta sẽ không phải chịu những hệ lụy buồn đau. Ai đó đã nói rồi, những gì xuất phát từ trái tim chắc chắn sẽ tới được trái tim... Và bài thơ “Lời từ tạ” của nhà thơ Bulgaria Damian Damianov đã hơn bất cứ thứ gì trên đời này bộc lộ niềm suy tư ấy. Những lời thơ tưởng chỉ nói về tình yêu nhưng lại toát lên những chiêm nghiệm sâu sắc về các lẽ đời khác. Bài thơ như sau:
“Vậy là em sẽ đi như đã quyết?!..
Chúc bình an, anh chẳng giữ em đâu.
Chắc quãng đời mai sau tẻ ngắt
Không thể làm anh chết bởi buồn đau.
Nhưng nếu rồi với nụ cười đồng cảm,
Ai mai này tới sưởi ấm lòng anh,
Dẫu người ấy giùm uống sầu dĩ vãng,
Chắc nỗi sầu cũng chẳng chịu qua nhanh.
Dưới hàng mi, hai hòn than bóng bỏng
Chẳng nguội đâu...
Nhưng anh sẽ đổi thay:
Đôi mắt anh sẽ dửng dưng, hờ hững,
Hay u hoài lây lất chua cay.
Và trái tim hoá nghèo nàn, bất lực,
Chết âm thầm không một lời ca,
Sẽ giống đống tro tàn, lửa tắt,
Xót xa, tan rã, vụn rời ra,
Sẽ điếc đặc như cổng cao đóng chặt.
Sẽ rỗng không như một túp lều hoang,
Chỉ có gió đêm khóc điều đã mất
Và bụi khi em bước khẽ khàng dâng...
Vậy là em sẽ đi như đã quyết?!
Hãy ngồi thêm khoảnh khắc nữa cùng nhau,
Để anh ngắm gương mặt em thân thiết,
Để trên ngực em, anh lại ngả đầu,
Để nhớ lại những gì thiêng liêng nhất
ẩn trong em- dầu chúng với chiều trôi,
Nhưng giữa những bài thơ anh viết
Mãi xông hương, ngời ngợi muôn đời...”
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi. Câu hỏi không cần đợi trả lời này thực ra là một tiếng thở dài cam chịu. Còn gì nữa? Khi người đàn bà đã muốn bỏ ta đi thì mọi sự van vỉ, nài nỉ chỉ trớ trêu và vô ích mà thôi. Damian Damianov cũng biết vậy. Nên mở đầu “Lời từ tạ”, anh đã làm như hùng hổ: “Chúc bình an! Anh chẳng giữ em đâu”. Cứ tưởng đó là nhát chém sau cuối, chấm dứt những tơ vương còn lây lất để quên đi, để tìm cơ hội mở ra trang đời mới. Nói một cách thô mộc, để cho”tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”.
Thế nhưng, sự đời không đơn giản thế. Người đàn ông trong “Lời từ tạ” như bị phân thân: một mặt, anh biết có “cố đấm ăn xôi’ thì chỉ làm mình thêm thế yếu, dễ bề trở thành thảm hại trong con mắt nàng. Mặt khác, dù nàng đã quyết rời bỏ anh, nhưng anh vẫn còn yêu nàng, yêu lắm lắm cơ. Ở ngay câu thứ ba của bài thơ, cứ tưởng vừa nói thế nên anh còn giữ nguyên được độ cứng nam nhi thì anh lại vô tình (hay vô thức-như mốt nói hiện nay của một số nhà “giả học”) để lộ gót chân Asin của mình qua từ “tẻ ngắt”. Anh đã buột miệng thú nhận rằng, mất nàng rồi, “quãng đời mai sau”của anh sẽ “tẻ ngắt”, dẫu anh vẫn còn tỏ vẻ được một chút bằng sự phỏng đoán (hết sức yếu ớt), rằng nó, cái “quãng đời mai sau tẻ ngắt” ấy, sẽ “không thể làm anh chết bởi buồn đau”. Và rồi bài thơ càng tiếp diễn thì cái niềm yêu đau đáu, xót xa của thi sĩ dành cho người-đàn-bà-tự-ruồng-bỏ càng trở nên lớn lao và mãnh liệt hơn. Càng viết, anh càng tự nhiên tỏ ra không giữ thế mày râu. Mất em là anh mất mọi sự trên đời. Mất em, anh sống cũng như không, vì còn đâu cảm hứng, còn đâu ham muốn sáng tạo, còn đâu nhiệt huyết! Cái đổi thay của gã đàn ông thất tình thực sự mới thê thảm làm sao:
“Đôi mắt anh sẽ dửng dưng, hờ hững,
Hay u hoài, lây lất chua cay.
Và trái tim hoá nghèo nàn bất lực,
Chết âm thầm không một lời ca,
Sẽ giống đống tro tàn, lửa tắt,
Xót xa, tan rã, vụn rời ra.
Sẽ điếc đặc như cổng cao đóng chặt,
Sẽ rỗng không như một túp lều hoang...”
Nghe khổ sở thế, ai mà đành lòng được. Tôi chắc rằng người đàn bà mà nhà thơ si mê đến thế cũng khó cầm lòng, dù nàng có tính cách cứng cỏi đến đâu, dù nàng có giận “gã“ nhà thơ đến mấy. Và có thể (tôi phỏng đoán thôi), qua ánh mắt, qua hơi thở gần như hắt ra, nàng đã để lộ giây yếu lòng của mình. Vì vậy chăng nên nhà thơ mới tiếp tục kể khổ, kể khổ để giành thế chủ động hơn:
“Chỉ có gió đêm than khóc điều đã mất
Và bụi khi em bước khẽ khàng dâng...”
Rõ khéo, kể khổ nhưng lại tỏ bầy được tấm tình chung: không có em, mọi thứ trong anh sẽ bụi phủ, chứ chẳng có người nào đến “giùm uống sầu dĩ vãng” như ở đầu bài thơ anh “dọa” đâu. Đồng thời cũng ngỏ một hy vọng mong manh: sẽ có ngày em đến để “bụi khi em bước khẽ khàng dâng”...
Đến đây chắc nàng gần rớt nước mắt (!) Và người thơ hiểu rõ điều này nên anh mới dấn tới ở tám câu sau cùng. Vẫn tỏ ra muốn “từ tạ”, thậm chí còn nhắc lại câu “Vậy nghĩa là em đi như đã quyết?!” nhưng lời lẽ tiếp theo, trời ơi, sao lại âu yếm và nồng nhiệt đến vậy:
“Em hãy ngồi khoảnh khắc nữa cùng nhau
Để anh ngắm gương mặt em thân thiết,
Để trên ngực em anh được ngả đầu...”
Chắc người phụ nữ phải trợn mắt lên khi nghe anh chàng thi sĩ đang định “từ tạ” lại nói với mình như thế. Nhưng nàng chắc sẽ không “động thủ” gì khi nghe nhà thơ tiếp theo đó liền giải thích lý do của những hành động “mạo phạm” đó là ở sự bất tử của tấm tình dành cho nàng:
“Để nhớ lại những gì thiêng liêng nhất
ẩn trong em-dù chúng với chiều trôi,
Nhưng giữa những bài thơ anh đã viết
Mãi xông hương, ngời ngợi muôn đời...”
Có đành lòng được chăng bỏ người đã dành cho mình một bài thơ như thế?
Chắc là không…