Chính phủ xin lùi thời gian trình 4 luật
Mặc dù Uỷ ban Pháp luật và nhiều vị đại biểu đã "đòi" Chính phủ giải thích rõ lý do không hồi âm và hồi âm không rõ ràng về một số dự án luật, song đến ngày 30/5 Chính phủ mới có báo cáo gửi Quốc hội.
Thảo luận tại hội trường về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chiều 31/5. Ảnh: Quốc Anh.
Liên quan đến dự án Luật về Hội - dự án đã không được thông qua tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2016) như dự kiến, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, ngày 30/11/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có công văn gửi Chính phủ về việc tiếp tục hoàn thiện dự án luật về hội.
Công văn đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện các công việc cần thiết để hoàn thiện hồ sơ dự án theo đúng quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cố gắng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) và trong quá trình chuẩn bị, đề nghị Chính phủ chủ động xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về định hướng và nội dung lớn của dự án Luật Về hội.
Chính phủ cho biết, căn cứ công văn này và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Quốc hội, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Về hội trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Cụ thể là tiếp tục tổng kết, đánh giá thực tiễn, xây dựng báo cáo đánh giá tác động về những vấn đề mới của dự thảo luật, tổ chức nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của một số nước có thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam để có thể tham khảo, vận dụng trong quá trình hoàn thiện dự án.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức để xây dựng, hoàn thiện báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động đối với các nội dung mới của dự thảo (phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; cơ chế, chính sách đối với hội; hội tham gia hội viên của các tổ chức (hội) quốc tế; việc nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; điều kiện thành lập hội).
Từ những lý do nêu trên, tại tờ trình số 78 ngày 10/3, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chưa đề xuất đưa dự án Luật về Hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, để có thời gian tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn, đảm bảo tính khả thi và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 - báo cáo nêu rõ.
Như vậy, yêu cầu của đại biểu Quốc hội về thời điểm cụ thể trình dự án Luật về Hội đã không có câu trả lời từ Chính phủ.
Ngoài dự án Luật về Hội, báo cáo của Chính phủ cũng nêu lý do lùi một số dự án luật từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và thông qua tại kỳ họp thứ năm.
Với sửa Luật Cạnh tranh, Chính phủ nêu bốn lý do, trong đó lý do thứ ba đề cập sự phát triển, phổ cập nhanh chóng của internet, công nghệ thông tin và một số loại hình dịch vụ mới đã xuất hiện, được cung cấp trên quy mô toàn cầu mà không cần phải thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam như công cụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook,...
Trước thực tế này, nếu pháp luật cạnh tranh của Việt Nam chỉ áp dụng trong phạm vi lãnh thổ như hiện nay, sẽ không thể xử lý được các hành vi phản cạnh tranh diễn ra ở nước ngoài, có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc phân tích, đặc định các hành vi mới nêu trên để từ đó đưa ra định hướng điều chỉnh trong Luật cạnh tranh cần phải có thời gian để nghiên cứu, nhất là tham khảo thực tiễn, kinh nghiệm của các quốc gia phát triển.
Đối với dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Chính phủ nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, có nhiều nội dung cần được nghiên cứu kỹ để bảo đảm sự phù hợp với quy định của một số luật liên quan, đặc biệt là về phạm vi bí mật nhà nước theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Chính phủ cho biết, qua đánh giá, tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động và kết quả tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thấy, số lượng điều luật và nội dung cần sửa đổi, bổ sung là rất lớn (có khoảng 117 điều cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ). Trong đó có một số nội dung tương đối phức tạp như về tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu...
Bên cạnh đó, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động lần này cũng cần nghiên cứu để bổ sung một số quy định mới để thể chế hóa chủ trương của Đảng theo kết luận của hội nghị Trung ương lần thứ tư về "Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp…, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đồng thời, giữ vững ổn định chính trị - xã hội".
Do vậy, Chính phủ đề nghị thay đổi phạm vi sửa đổi từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động thành Bộ luật lao động (sửa đổi) và đề nghị lùi thời hạn trình từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.