Bảo vệ trẻ em toàn diện hơn
Tháng hành động vì trẻ em năm nay, cũng là lúc Luật Trẻ em chính thức được ban hành và có hiệu lực (từ ngày 1/6/2017).
Đây là cơ sở pháp lý, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em trong tình hình mới; đồng thời cũng quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Phóng viên Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH về nội dung này.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan.
PV: Bắt đầu từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực. Xin bà cho biết cụ thể những điểm mới trong Luật?
Thứ trưởng Đào Hồng Lan: Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trước đây tiếp cận trên cơ sở các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng Luật Trẻ em hiện nay tiếp cận trên cơ sở quyền của trẻ em, trẻ em nói chung cũng như các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đối với việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em thì chúng ta không chỉ áp dụng cho trẻ em ở Việt Nam mà cả trẻ em nước ngoài sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng được các quyền được bảo vệ khỏi những vi phạm pháp luật liên quan đến quyền trẻ em.
Đó là về phạm vi và đối tượng. Thứ hai, quyền và bổn phận của trẻ em cũng được quy định rất rõ ràng trên cơ sở tiếp cận Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền trẻ em đã được quy định trong Hiến pháp.
Luật Trẻ em chính là nơi thể hiện rõ hơn những quy định của Hiến pháp trong việc triển khai thực hiện quyền con người và quyền trẻ em. Thứ ba, Luật Trẻ em tiếp cận trên cơ sở những góc độ liên quan đến Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
Chúng tôi cũng thể hiện rất rõ những quan điểm mà quốc tế đã có và Việt Nam đã cam kết tham gia bằng việc pháp luật hóa vào các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Về điểm mới như quyền tham gia của trẻ em, được tham gia như thế nào, cách thức, hình thức, ai là người đại diện cho tiếng nói của trẻ em, truyền tải được các thông điệp của trẻ em đến các cơ quan của Nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan khi tiếp nhận phải giải quyết như thế nào.
Một điểm nữa là chúng tôi cũng quy định rất rõ các quy trình trong vấn đề bảo vệ trẻ em, từ khi phát hiện, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em đến các quy trình hỗ trợ, can thiệp ở 3 mức độ như thế nào.
Quy định rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, trong đó quy định cả trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đến các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, gia đình…
Sắp tới, Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể như thế nào cho chính quyền địa phương thực hiện nội dung này?
- Luật thì đã quy định rất rõ ràng rồi, nhưng thực tế thời gian vừa qua cũng thấy rằng các quy định của chúng ta chưa rõ được đầu mối nào sẽ chịu trách nhiệm chính khi phát hiện ra các vụ xâm hại, bạo lực.
Luật Trẻ em đã giải quyết được vấn đề đó, tức là gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi vì không thể nói sự việc xảy ra trên địa bàn của mình mà lãnh đạo địa phương không biết và không có tác động can thiệp vì đấy mới là nơi gần gũi nhất với các em và gia đình các em ở địa phương đó.
Chính vì vậy, để giúp cho chính quyền địa phương có thể làm việc đó, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải có người làm công tác chăm sóc trẻ em. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm chính quyền các cấp phải đảm bảo bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em.
Gần đây nhất là Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ riêng đối với vấn đề phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em, quy định rất rõ trách nhiệm các bộ, ngành.
Từng bộ, ngành phải rà soát nhiệm vụ của mình, nếu vướng chỗ nào thì phải tháo gỡ, trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra vụ việc mà không kịp thời xử lý hoặc không có hỗ trợ kịp thời cho trẻ em khi xảy ra xâm hại, bạo lực.
Xuất phát từ thực tiễn, bà có cho rằng vấn đề bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ trở thành vấn đề bức thiết nhất hiện nay?
- Vấn đề bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ đã được quy định rất rõ trong Luật. Mục tiêu của chúng ta là phòng ngừa ngay từ khi các em chưa bị xâm hại, giải pháp như thế nào thì đã được quy định rất cụ thể.
Các cấp độ khi các em cần can thiệp, cần được hỗ trợ cũng đã được quy định rõ, mục đích phân biệt rõ từng giai đoạn, công tác phòng ngừa được đẩy mạnh hơn chứ không để các em bị xâm hại rồi mới can thiệp.
Chúng ta phải đẩy mạnh việc này từ trong cộng đồng, trong xã hội, gia đình, để trẻ em được sống bình đẳng, được thực hiện quyền của trẻ em một cách đầy đủ nhất.
Kết quả thống kê của Tổng đài bảo vệ chăm sóc trẻ em 18001567 cho thấy, nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em do cha mẹ thiếu kiến thức cần thiết và thiếu hiểu biết về vấn đề này. Bà có suy nghĩ như thế nào trước thực trạng này?
- Hiện nay Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, là cơ quan quản lý về lĩnh vực gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, để chúng tôi có cách tiếp cận trên cơ sở quyền trẻ em.
Tôi nghĩ rằng, một trong những việc cần phải thay đổi là vấn đề nhận thức. Bởi vì nhiều gia đình vẫn có quan điểm rằng quát mắng, đánh đập là chuyện gì đó hết sức bình thường. Trách nhiệm của cha mẹ, gia đình rất quan trọng trong vấn đề bảo vệ trẻ em vì đây chính là tổ ấm, là nơi gần gũi nhất đối với các em.
Trân trọng cảm ơn bà!