Chống chuyển giá

Hồ Hương 01/06/2017 08:40

Xu hướng mua bán sáp nhập, chuyển nhượng thương hiệu, liên doanh liên kết… ngày càng có xu hướng gia tăng tại nước ta. Điều đó là tất yếu khi nền kinh tế đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, cũng tại lĩnh vực này các hành vi chuyển giá, trốn thuế đã được không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư rắp tâm thực hiện để trục lợi.

Ảnh minh họa.

Theo quy định của Nghị định 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/5 vừa qua, công ty mẹ của các tập đoàn có trụ sở chính tại Việt Nam mà doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế.

Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng yêu cầu doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai; cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các giao dịch liên kết của người nộp thuế.

Việc quản lý giao dịch liên kết này thực hiện theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất quyết định hình thức, không công nhận các giao dịch liên kết làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước. Qua đó, điều chỉnh giá giao dịch liên kết để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định.

Vậy, thế nào là giao dịch liên kết? Tại Điều 10 của Nghị định 20 cũng đã ghi rất rõ: Một DN nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của DN kia thì được coi là có quan hệ liên kết.

Hai DN được coi là có mối quan hệ liên kết khi một DN là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu DN kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần.

Đặc biệt, Nghị định hướng dẫn chi tiết về phân tích so sánh, bao gồm cơ sở dữ liệu được sử dụng, lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, số lượng đối tượng so sánh độc lập tối thiểu và các yếu tố điều chỉnh khác như lợi thế chi phí theo yếu tố địa lý...

Nghị định 20/2017/NĐ-CP- văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên, toàn diện của Chính phủ để quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết ra đời, chính thức được nhìn nhận là thêm công cụ để tuyên chiến với vấn nạn chuyển giá trốn thuế. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, “cây gậy” Nghị định 20 sẽ siết chặt quản lý về thuế đối với các tập đoàn nước ngoài hay DN có giao dịch liên kết.

Trong thời gian gần đây, nạn chuyển giá trốn thuế trong các DN lớn đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nóng. Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng đưa ra thông tin, “nhiều tập đoàn, công ty lớn báo lỗ liên tục, không nộp thuế nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh. Theo khảo sát của VCCI, có đến 60% DN chuyển giá có lợi nhuận rất cao, 44% DN lợi nhuận cao, 9% DN là báo cáo ít”.

Không những thế, khu vực DN FDI đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực khác, như lỗ giả, lãi thật gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư. Những trường hợp điển hình mà các DN, tập đoàn đa quốc gia từng bị truy thu thuế lớn được nêu tên trong đó có Metro cash & Carry hay Big C.

Cụ thể, trong hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, họ liên tục báo lỗ. Lỗ lũy kế chỉ của một công ty tính đến 30-9-2011 lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng.

Quan trọng là ở chỗ: Vì lỗ liên tục nên DN không phải đóng thuế thu nhập DN, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20 - 30%/năm. Có công ty hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002, sau 14 năm, doanh thu tăng gấp 24 lần nhưng vẫn liên tục báo lỗ, với lý do doanh thu chưa bù đắp giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra. Cơ quan thuế đã từng truy thu hơn 500 tỷ đồng của DN này. Đặc biệt, mới đây nhất là Lotte.

Theo báo cáo tài chính mới được Cty Lotte Shopping Hàn Quốc công bố, trong 10 năm hoạt động tại Việt Nam, hết năm 2016, Cty CP Lotte Vietnam Shopping - đang vận hành chuỗi 13 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam lỗ luỹ kế tới 2.000 tỷ đồng. Nhưng lạ một điều là dù thua lỗ nhưng Lotte tiếp tục mở rộng mạng lưới tại Việt Nam.

Đó chỉ là con số rất ít trong hàng nghìn DN FDI đã bị cơ quan thuế Việt Nam thực hiện thanh kiểm tra, chống chuyển giá, trốn thuế. Theo giới chuyên gia, hiện nay vẫn tiếp tục có nhiều giao dịch liên kết đáng ngờ, hoạt động chuyển giá, trốn thuế ngày càng tinh vi.

Vì thế, ông Cao Anh Tuấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, Nghị định 20/2017/NĐ-CP được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật, và được xem là một trong những giải pháp để xử lý hành vi chuyển giá, trốn thuế. Hy vọng khi công cụ pháp lý này được thực thi triệt để, những hành vi trục lợi thông qua trốn thuế, chuyển giá sẽ bị ngăn chặn, chấm dứt.

Hồ Hương