Giảm bớt các cuộc thi đối với giáo viên, học sinh: Áp lực được giải tỏa
Bộ GD&ĐT vừa chính thức ban hành công văn, yêu cầu các Sở GD&ĐT giảm các cuộc thi cho cả giáo viên và học sinh. Văn bản này đã nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia giáo dục, bởi những năm gần đây có quá nhiều cuộc thi áp vào giáo viên và học sinh, gây áp lực cho cả người dạy và học sinh.
Ảnh minh họa.
Theo văn bản của Bộ GD&ĐT, từ cuối năm 2016, Bộ đã có rà soát các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh. Kết quả rà soát cho thấy, số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo; gây áp lực cho giáo viên, học sinh; nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính của ngành để chỉ đạo tổ chức; đồng thời điều chỉnh chính sách đối với người dự thi; không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.
Theo đó, để đảm bảo tính nghiêm túc và hiệu quả của các cuộc thi tại địa phương, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT rà soát, giảm bớt, cụ thể như sau: Thứ nhất, Sở GD&ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh; không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.
Thứ hai, Bộ quy định, hình thức tổ chức cuộc thi đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; giáo viên và học sinh được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí; khuyến khích hình thức thi trực tuyến để có thể thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Trường hợp tổ chức thi trực tuyến phải có giải pháp đảm bảo mỗi giáo viên, học sinh có duy nhất 1 tài khoản do nhà trường xác nhận và quản lý để dự thi.
Bộ cũng đưa ra yêu cầu không sử dụng kết quả của các cuộc thi do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018-2019; không xác nhận lại hoặc đề nghị Bộ GD&ĐT xác nhận lại thành tích của giáo viên và học sinh do Sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.
Từ văn bản trên, một chuyên gia giáo dục nhận định: Quyết định này lẽ ra phải có sớm hơn. Bởi trong vài năm gần đây không biết có bao nhiêu cuộc thi lớn bé. Một học sinh mà mỗi năm thi đến hàng chục cuộc thi, thì suốt ngày phải vùi đầu vào ôn luyện. Chưa kể đến việc gặp áp lực khi không được giải cao…
Tuy nhiên, bên cạnh đó một số giáo viên cũng cho rằng, vẫn nên giữ lại những cuộc thi tiêu biểu do địa phương tổ chức thành công, ví dụ như Hội thi giáo viên dạy giỏi, Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, Cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp trường và cấp tỉnh… Nghĩa là Bộ cần có rà soát và quy định cụ thể để các trường, các địa phương dễ dàng thực hiện.
PGS TS Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) lý giải thêm: Bộ siết chặt quản lý các cuộc thi này bởi qua theo dõi, khảo sát, và từ báo cáo của các Sở cho thấy, hiện nay việc tổ chức cuộc thi ở địa phương tương đối nhiều, khiến học sinh cũng phải tham gia nhiều cuộc thi. Chính vì thế nên tạo ra áp lực cho các em, làm cho các em vất vả... Để đảm bảo sao cho các cuộc thi đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới của GD&ĐT, Bộ đã rà soát tinh giảm các cuộc thi để đạt hiệu quả hơn.
Về công tác quản lý những cuộc thi còn lại, theo ông Thành: Trong yêu cầu ở văn bản gửi các Sở, Bộ đã nêu rất rõ. Những cuộc thi này cần được tổ chức sao cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng kiến thức chứ không phải cuộc thi để kiểm tra lại kiến thức thuần túy. Hình thức tổ chức cuộc thi cũng phải đảm bảo tính thiết thực, làm sao thuận tiện cho các em, và phải đảm bảo sự tự nguyện, quyền lợi cho các em…
Còn về việc từ những năm học sau, học sinh đạt giải từ các cuộc thi do Sở tổ chức, ngay cả giải quốc tế Sở đưa đi tham dự cũng sẽ không được ưu tiên tuyển thẳng vào đầu cấp, ông Thành cho hay: Đây cũng là quy định không mới, với THCS phương án tuyển sinh là xét tuyển nên không thể lấy kết quả cuộc thi như vậy để tuyển thẳng được. Nếu được tuyển thẳng thì vô hình trung các cuộc thi lại trở thành cuộc thi tuyển. Đối với THPT, cũng đã có quy định rõ chỉ tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia.
Còn với một số trường THCS có lượng hồ sơ nộp vào đông, từ nhiều năm trước đây, Bộ cũng đã có văn bản rất rõ quy định, đối với trường khi có nguyện vọng cao, số hồ sơ đăng ký vào nhiều hơn nhiều so với số tuyển của nhà trường thì các cơ sở giáo dục đó phải báo cáo các cấp quản lý có thẩm quyền để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp. Và trong phương án tuyển sinh như thế, các em có kết quả học tập tiểu học ngang nhau thì cần có thêm tiêu chí phụ.
Bởi vì trong văn bản Bộ cũng chỉ quy định không tuyển thẳng các em đoạt giải cuộc thi đó, còn việc sử dụng kết quả cuộc thi đáp ứng tiêu chí trên thì các cơ sở giáo dục có thể đưa vào hợp lý.