Sông Thu Bồn ‘ngoạm’ dần đất canh tác
Đất sản xuất của người dân xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một phần bị sạt lở xuống sông Thu Bồn, một phần thì bị cát bồi lấp, khiến nhiều hộ dân rất lo lắng vì thiếu đất để sản xuất.
Bà Xuân chỉ tay sào ruộng của gia đình mình đang bị nước sông cuốn trôi.
Qua quan sát của chúng tôi, nơi xảy ra sạt lở nặng nhất là ở 2 khu vực Gò Vịt và Gò Mồ Côi là hai cánh đồng nằm dọc theo con sông Thu Bồn, đoạn chảy qua thôn Tân Thành và Cẩm Phú của xã Điện Phong.
Có những chỗ sạt lở khiến bờ dựng đứng rất nguy hiểm. Nước sông đã lấn sâu vào đất liền, còn phía bên kia sông nhiều diện tích bị cát bồi lấp, san phẳng luôn diện tích trồng trọt của người nông dân.
Dưới cái nắng cuối tháng 5 như thiêu đốt con người, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi và đầy lo lắng khi thấy đất ngày càng cúng cho “Hà Bá”, bà Hà Thị Xuân, trú thôn Cẩm Phú cho hay: “Gia đình tôi có khoảng 5.000 m2. Cứ mỗi mùa mưa bão đến, nước sông dâng cao lại cuốn trôi đất của tôi. Hiện giờ, đất sản xuất của tôi ở đoạn sông Thu Bồn, chảy qua thôn Cẩm Phú chỉ còn khoảng 2.000 m2”.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Nga, trú thôn Tân Thành trải lòng: Gia đình ông có 6 nhân khẩu nên đều trông cậy vào phần đất do ông bà đã để lại. Nhưng hai đợt mưa lũ lớn năm ngoái, đã gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất canh tác của gia đình.
Cũng theo ông Nga, trước đây dòng sông chảy qua địa phương hẹp nhưng giờ đã rất rộng và ngày càng tiếp tục nới rộng ra thêm cả trăm mét và ăn sâu vào đất canh tác của bà con.
Không chỉ có những hộ nói trên mà rất nhiều người dân bày tỏ nỗi lo lắng khi lũ lụt và nạn cát tặc làm xói lở bờ sông, đất sản xuất nông nghiệp ngày một giảm đi.
Các ghe hút trộm cát trên đoạn sông Thu Bồn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Tân Thành cho biết: “Làm sao mà không lo lắng”. Đưa tay chỉ về phía bên kia sông, ông Thắng nói: Bên ni sạt lở trầm trọng còn phía bên kia sông ước chừng cả chục hecta đất đã bị bồi lấp bởi cát. Đây là đất sản xuất nông nghiệp của nông dân thôn Tân Thành, Cẩm Phú, Cẩm Đồng, rứa mà chừ cát lấp nên không còn phục vụ nông nghiệp được nữa. Trong khi đó bà con chỉ biết dựa vào nông nghiệp để sinh sống.
Trước sự việc trên, ông Dương Hiển Công, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, trong năm 2016, toàn xã có khoảng 7 ha đất sản xuất của bà con bị sạt lở. Trong đó riêng thôn Cẩm Phú và Tân Thành đã mất 1 ha diện tích hoa màu.
Trước thực trạng này, chính quyền xã đã kiến nghị lên thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ 200 nghìn đồng/sào cho bà con sau đợt lũ tháng 10 năm 2016.
Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến này, chính quyền xã đã phát hiện bắt được 11 vụ ghe lậu hút cát trộm trên sông và xử lý hành chính.
Nỗi lo của người dân có cơ sở rõ ràng, đó là lũ lụt làm sạt lở và bồi lấp ruộng đồng, cùng với đó là nạn cát tặc ngày đêm hoành hành. Bà con chỉ mong chờ, các cấp chính quyền triệt hạ nạn cát tặc và có kế sách để chống xói lở như kè bờ sông.