Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi: Không cẩn thận lại là 'bước lùi'
Đó là ý kiến của đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang), Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi, ngày 1/6.
Ông Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi thảo luận tại Hội trường ngày 1/6. (Ảnh: Quốc Anh).
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đã nêu lên những điểm chưa hợp lý khi phát sinh thêm thủ tục hành chính, và cho rằng không khéo lại tăng thêm biên chế.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh: Luật Trợ giúp pháp lý đã được kỳ họp thứ 2, Quốc hội cho ý kiến và dự thảo trình kỳ họp này đã được tiếp thu chỉnh lý nhiều. Tuy nhiên nhiều điểm cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Thứ nhất, đối tượng được trợ giúp pháp lý dù đã được tiếp thu nhưng còn nhiều điểm cần được cân nhắc chỉnh lý.
Như việc Điểm 4 Điều 7 ghi người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn thì nên dùng từ “cư trú” thay từ “thường trú” để phù hợp với Luật Cư trú vì Điểm 1 Luật Cư trú quy định: Cư trú là việc công dân sinh sống tại một điểm thuộc xã phường thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú. Điểm 2 Thông tư 01 và Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc ngày 17/1/2012 hướng dẫn quy định rất rõ người thường xuyên sinh sống thì đã đăng ký thường trú tạm trú, hoặc có xác nhận của công an xã phường thị trấn ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; xã phường thị trấn vùng khó khăn; và xã thôn bản có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng thực tế nhiều trường hợp người dân tộc thiểu số sinh sống lâu dài ở vùng không phải vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhưng hộ khẩu thường trú của họ vẫn ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo quy định thì họ được trợ giúp pháp lý, ngược lại những người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì lại không được trợ giúp pháp lý. “Như vậy theo Điểm 1 Luật Cư trú thì dùng từ “cư trú” thay cho “thường trú” thì sẽ phù hợp hơn”-Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phân tích.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, Điểm 7 Điều 8 quy định về việc mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý trong đó đề cập đến những người thuộc một trong các trường hợp có khó khăn về tài chính. “Chúng tôi thấy cân nhắc không nên đưa từ “khó khăn về tài chính” bởi điểm 7 điều 8 quy định Chính phủ quy định chi tiết thực hiện việc này nhưng sẽ rất khó khăn, trước hết mỗi đối tượng này lại phải quy định điều kiện cụ thể trong khi đó nếu quy định như thế sẽ mâu thuẫn với 3 Luật hiện hành.
Đó là Luật Người khuyết tật, đã là người khuyết tật thì được trợ giúp pháp lý; thứ hai là Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 thì các trẻ em đều được trợ giúp cả; Rồi Luật Phòng chống mua bán người” - Phó Chủ tịch phân tích, và cho rằng những đối tượng trên đều thuộc nhóm đối tượng yếu thế đặc biệt, những người này đa số có điều kiện khó khăn về trình độ văn hóa, học thức. Cho nên điểm thứ hai mâu thuẫn với 3 Luật hiện hành vì các đối tượng này được trợ giúp pháp lý là đương nhiên.
Đặt vấn đề “so với các quy định hiện hành quy định của Dự thảo Luật sửa đổi có tiến bộ hơn không”? Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, luật hiện hành đã quy định rất rõ giờ dự thảo quy định thế này có khi lại là “bước lùi” so với quy định hiện hành. Đó là việc xuất trình liên quan đến thủ tục hành chính. Chính phủ quy định những nội dung “nếu hoàn cảnh khó khăn” thì theo quy định hiện hành trẻ em có giấy khai sinh chứng minh là người dưới 16 tuổi, người khuyết tật cần xuất trình giấy tờ thì là đủ, nhưng những quy định mới lại phải thêm “giấy chứng nhận là hoàn cảnh khó khăn” nữa thì phát sinh thêm thủ tục hành chính. Cho nên Điểm 7 cần phải nghiên cứu lại.