Mua sản phẩm từ động vật hoang dã: Vô tình vướng vòng lao lý
Khá nhiều lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài đã đổi đời nhưng cũng có nghiều người không may mắn như vậy. Chuyến đi của họ kết thúc trong nhà tù ở nước ngoài chỉ vì thiếu hiểu biết về luật pháp của nước sở tại mà lỡ mua một vài đồ lưu niệm có nguồn gốc từ động vật hoang dã (ĐVHD).
Khai thác ngà voi bất hợp pháp khiến đàn voi ở nhiều nơi trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng.
Cách đây 4 năm, ông Nguyễn Văn Tuân xã Khánh Thành (Yên Khánh, Ninh Bình) cùng với vài người hàng xóm lên đường sang Angola lao động. Ông và gia đình đã phải vay mượn 150 triệu đồng để chi phí cho chuyến đi. Cả ông và người thân, có lẽ chưa bao giờ hình dung ông mất tiền đi lao động, kiếm tiền nuôi gia đình mà lại bị vào tù.
Sự việc xảy ra khi ông trên đường trở về Việt Nam và quá cảnh tại sân bay Nairobi - Kenya. Ông Tuân cho biết có cầm về 3 cái vòng bằng ngà voi, mỗi cái có giá khoảng hơn 30 USD, tương đương 700.000 đồng, ông mua ở chợ ngà voi để làm quà kỷ niệm cho vợ con. Theo đó, ông Tuân đã dễ dàng mang chúng ra khỏi Angola, nhưng đến sân bay Nairobi (Kenya), ông đã bị bắt giam vì tội tàng trữ, mua bán sản phẩm liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm và phải thụ án hơn một năm tại nước này.
Cũng là những người đi lao động tại Angola như ông Tuân, ông Ngô Hồng Quân, ở xã Kỳ Đồng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khi quá cảnh tại Nairobi, Kenya cũng bị bắt giữ và bị kết án 6 năm tù. Ông Ngô Hồng Quân chia sẻ: Tôi không ngờ mình cầm mấy cái móng vuốt về để làm đồ trang sức cho con trai mà bị ở tù lâu như vậy.
Theo thông tin từ Đại sứ quan Việt Nam tại Tanzania, họ đều bị bắt do vi phạm pháp luật bảo tồn thiên nhiên Kenya khi mang theo người các đồ lưu niệm bằng ngà voi và vuốt sư tử. Kenya có một văn bản pháp luật về “Quản lý và bảo tồn động vật hoang dã” ban hành vào năm 2013, với rất nhiều quy định xử phạt nặng những hành vi buôn bán, săn bắt, vận chuyển các sản phẩm có liên quan đến ĐVHD, cao nhất là tù chung thân. Việc một số lao động Việt Nam bị bắt giữ và kết án tù tại Kenya cho thấy động thái quyết liệt của chính quyền nước này, nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Bà Marlene Abongo, thuộc Văn Phòng Luật sư Marlene Abongo và Cộng sự, người đã từng hỗ trợ pháp luật cho một số công dân Việt Nam bị đưa ra xét xử tại Kenya, giải thích rõ hơn: Họ chỉ là là những người lao động phổ thông với những đồng lương ít ỏi. Khi họ bị bắt giữ, họ thậm chí còn không biết mình bị phạm tội và vô cùng sốc, nhưng buộc phải chấp nhận là đúng mình đã sở hữu những sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD và tòa án đã kết tội họ với một khoản tiền phạt.
Theo luật sư Marlence Abongo, không chỉ riêng công dân Việt Nam bị bắt giữ do vi phạm pháp luật bảo tồn thiên nhiên của Kenya mà còn có công dân của Trung Quốc, Thái Lan nhưng họ có tiền nộp phạt nên không bị giam giữ. Trong khi đó, hầu hết các công dân Việt đều có gia cảnh khó khăn nên việc nộp một khoản tiền lớn 20.000 USD, tương đương khoảng 500 triệu đồng để được tự do là điều rất khó thực hiện.
Tại Việt Nam cũng như Trung Quốc, bên cạnh việc thiếu hiểu biết về các loài ĐVHD thì thói quen sử dụng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các sản phẩm có liên quan đến động vật hoang dã. Điều này cho thấy có những lỗ hổng trong công tác quản lý liên quan đến phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã.
Bà Hoàng Bích Thủy – Giám đốc Chương trình Việt Nam của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho rằng Việt Nam lâu nay vẫn được xem nước tiêu thụ nhiều sản phẩm từ động vật hoang dã, nhiều người dùng như thuốc chữa bệnh. Theo bà Hoàng Bích Thủy , hiện nay Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam năm 2015 chuẩn bị được trình Quốc hội thông qua sẽ có những điều chỉnh tăng mức hình phạt đối với các cá nhân hay tổ chức vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.