Tạo dấu ấn và sức lan tỏa trong Cuộc vận động ‘Đền ơn đáp nghĩa’
Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội và một số bộ ngành liên quan đến nhiệm vụ trong đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia “Đền ơn đáp nghĩa” sáng 2/6, tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại cuộc họp.
31 đơn vị nộp tiền vễ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”
Về tình hình thực hiện Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTU MTTQ Việt Nam vận động toàn dân “Đền ơn đáp nghĩa” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tính tới thời điểm hiện nay, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá, hoạt động của các tổ chức chưa rõ nét và chưa tạo được nhiều hoạt động ý nghĩa trong hưởng ứng cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa”.
Phó Chủ tịch mong muốn các tổ chức chính trị - xã hội và một số bộ ngành liên quan tiếp tục triển khai để tạo được dấu ấn và sức lan toả để người Việt Nam trong nước và trên toàn thế giới hiểu được ý nghĩa của nhưng người đã cống hiến cho hoà bình, độc lập của tổ quốc.
Theo báo cáo UBTƯ MTTQ Việt Nam: Tại lễ phát động ngày 27/4 vừa qua đã có 55 đơn vị đăng ký ủng hộ số tiền là 3.782.700.000 đồng. Tình hình tiếp nhận Quỹ tính đến ngày 2/6 đã có 31 đơn vị nộp tiền vễ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Trung ương, tổng số tiền là 1.740.700.000 đồng.
Tại cuộc họp, Ông Lê Thế Hải, Phó Ban Tổ chức cán bộ, Hội cựu chiến binh Việt Nam cho biết: Hội đã chủ động các hoạt động trong việc chỉ đạo các cấp hội trong toàn bộ hệ thống để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, kêu gọi, vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời vận động hội viên và cựu chiến binh tích cực ủng hộ quỹ và tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Theo ông Hải, hiện nay, các đối tượng cần xe lăn, xe lắc tại các trung tâm hiện đã được cấp và bộ quốc phòng đã có kế hoạch ủng hộ cụ thể trên toàn quốc, nhưng thực tế số lượng ở các địa phương chưa có thống kê cụ thể. Vì vậy cần phải phối hợp với Mặt trận các địa phương rà soát cụ thể và Mặt trận các địa phương có trách nhiệm báo cáo và trích quỹ tặng xe lăn, xe lắc.
Dịp này, Trung ương hội phối hợp với Trung ương Hội cựu thanh niên xung phong tổ chức giao lưu đại biểu cựu thanh niên xung phong tại Tây Nguyên, tại chương trình có tặng học bổng cho con em các gia đình thương binh đang học tập tại trường Đại học Tây Nguyên và tổ chức giao lưu, tọa đàm Cựu chiến binh đi tìm hài cốt đồng đội; Tập trung tìm hài cốt của liệt sỹ tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang.
Ông Nguyễn Tuấn Tú, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCSHCM thông tin: Trung ương Đoàn đã tổ chức hoạt động theo bước chân những người anh hùng. Thực hiện phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng tại các địa phương, cấp phát thuốc miễn phí, chỉnh trang bia mộ liệt sỹ; lễ thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Vị Xuyên, Tân Biên...
Bên cạnh đó, Trung ương đoàn có 31 trung tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên cả nước, Đoàn Thanh niên tại các tỉnh thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Mặt trận và hội cựu chiến binh rà soát, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho thân nhân, con em gia đình thương binh liệt sỹ.
Sẽ công cố danh tính 20 liệt sĩ
Đặc biệt, tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Thường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam cho biết: Hưởng ứng lễ phát động ngày 27/4, Hội tổ chức thi viết về mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình thương binh liệt sỹ từ đó lựa chọn ra 100 bài in thành sách để tuyên dương gia định thương binh, liệt sỹ khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Phối hợp với tổng cục chính trị tổ chức triển lãm về gương vượt khó của thân nhân gia đình liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng và hiện vật của liệt sỹ; đồng thời tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân liệt sỹ. Lấy mẫu hài cốt liệt sỹ về làm xét nghiệm ADN để trả lại danh tính trên 20 liệt sỹ. Dựa theo kịch bản của nhà văn Chu Lai “Linh hồn liệt sỹ” để chuyển thể thành phim, xuất bản cuốn “Dòng sông tri ân”.
Bên cạnh đó Hội tặng 127 nhà tình nghĩa, hơn 1.000 cuốn sổ tiết kiệm mỗi xuất 5 triệu đồng , hơn 200 xe lăn, xe lắc và hơn 10.000 xuất học bổng đối với con em thương binh liệt sỹ học giỏi…
Ông Thường đề nghị: Nhu cầu nhà tình nghĩa đối với thân nhân liệt sỹ rất lớn, lên tới 280 nghìn nhà với tổng số vốn đầu tư hơn 60 triệu đồng, chính vì vậy quỹ đền ơn đáp nghĩa phải quán triệt xuống đến tận phường, xã, tới các tổ trưởng dân phố để việc vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa phải thấm nhuần xuống các xã phường, các tổ dân phố để từ đó có thể hoàn thành nhiệm vụ đối với 280.000 nhà tình nghĩa.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB & XH): Việc công bố được 20 danh tính liệt sỹ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam có ý nghĩa lớn đối với gia đình, người thân của liệt sỹ và đặc biệt đối với xã hội.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận sự chủ động, tính tích cực và truyền thống tri ân đối với các gia đình chính sách trước những kế hoạch thiết thực của các tổ chức đã đề ra, từ đó thể hiện trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc vận động, đóng góp của các tầng lớp nhân dân và những việc làm cụ thể đối với các gia đình có công với đất nước.
Phó Chủ tịch đề nghị: Báo chí của các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa hoạt động của công tác đền ơn đáp nghĩa, giới thiệu được gương của những gia đình tiêu biểu và các hoạt động chăm lo đối với gia đình chính sách. Các tổ chức thường xuyên thông tin về gương các gia đình liệt sỹ, thương binh tiêu biểu gương mẫu chấp hành các quy định ở địa phương. Thường xuyên cung cấp thông tin về công tác kêu gọi vận động quỹ từ trung ương tới địa phương để từ đó tạo được sự lan toả trên cả nước.