Mạo danh Bộ Tài chính, bán đấu giá 181 ôtô trị giá hơn 128 tỷ đồng

Theo TTXVN 02/06/2017 14:32

Bộ Tài chính vừa phát đi cảnh báo về việc xuất hiện hai văn bản mạo danh Bộ Tài chính và Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) để bán đấu giá lô ôtô đã tịch thu trong vụ án buôn lậu do Hà Tuấn Dũng (tức Dũng “mặt sắt”) cầm đầu.

Lô siêu xe của Dũng "mặt sắt".

Cụ thể, sáng 2/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong số 2 văn bản trên, một văn bản mạo danh Bộ Tài chính ghi số 3156 ngày 8/11/2016 gửi Cục Quản lý công sản với nội dung: Bộ Tài chính giao cho Cục quản lý Công sản chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, tổ chức bán đấu giá số xe ôtô tịch thu còn lại trọng vụ án buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới xảy ra tại Quảng Ninh do Hà Tuấn Dũng (Dũng “mặt sắt”) cầm đầu theo đúng quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Thời gian hoàn thành báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/01/2017. Bộ Tài chính yêu cầu Cục quản lý Công sản tổ chức thực hiện”.

Văn bản thứ 2 ghi số 971 ngày 8/5/2017 của Cục Quản lý công sản gửi Bộ Tài chính trả lời vấn đề trên có ghi: “Cục quản lý Công sản đã chủ trì với các cơ quan liên quan (Tổng cục Thi hành án Bộ Tư pháp, Tổng cục VIII Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Tổng cục giá, UBN tỉnh Quảng Ninh) xác định giá trị, chất lượng còn lại gồm 181 xe ôtô giá trị còn lại là 128.310.015.000 đồng. Tổng số xe ôtô 181 chiếc đã được chia thành 3 lô, trong đó có hai lô, mỗi lô 60 chiếc; một lô 61 chiếc, giá trị mỗi lô trên 42 tỷ đồng.”

Văn bản trên khẳng định: “Đến nay các thủ tục, hồ sơ đã cơ bản hoàn thành. Cục quản lý Công sản đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức bán đấu giá số tài sản tịch thu là lô xe ôtô trong vụ án 'Dũng mặt sắt' nêu trên theo đúng quy định.”

Văn bản giả mạo Cục Quản lý công sản viết sai cả tên cơ quan của Bộ Tài chính. (Ảnh: Bộ Tài chính).

Với những thông tin trên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, phía bộ và Cục quản lý Công sản không có bất kỳ văn bản nào có nội dung nêu trên. “Hai văn bản trên là giả mạo,” thông báo của Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đại diện ngành tài chính cũng nhận xét: “Kẻ làm giả văn bản đã phạm nhiều lỗi chính tả rất ngô nghê và viết sai cả tên cơ quan tổ chức.” Ví dụ như tại văn bản thứ 2, nội dung có nhắc tới “Tổng cục giá” trong khi tên chính xác của cơ quan là “Cục Quản lý giá.”

Trước đó, ngày 23/5,Tổng cục Hải quan cũng đã phát hiện một văn bản giả, mạo danh Tổng cục Hải quan thông báo cho doanh nghiệp yêu cầu đặt cọc ngân sách Nhà nước số tiền lên đến vài chục tỷ đồng để mua các loại ôtô, xe gắn máy thanh lý.

“Rất có khả năng những đối tượng làm giả văn bản của Bộ Tài chính, Cục quản lý Công sản, Tổng cục Hải quan là nhằm mục đích lừa đảo các cá nhân, doanh nghiệp thông qua hình thức kêu gọi góp vốn. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ,” đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Theo TTXVN